Triệu chứng
Triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh đau mắt đỏ là mắt trở nên đỏ, mi mắt sưng, có nhiều ghèn, chảy nước mắt, mắt có cảm giác kích thích, rát bỏng, ngứa, rỉ dịch, gặp khó khăn khi nhắm mở mắt hay chói mắt khi có ánh sáng. Tuy nhiên, BS Nga lưu ý: “Không ít trường hợp các cháu có những biểu hiện khác như sổ mũi, ho, sốt, phát ban, nổi hạch sau tai”.
Bệnh có lây không?
Nhiều người đau mắt đỏ cho rằng họ bị bệnh là do lỡ nhìn vào người bệnh. Nhưng thực tế không có chuyện bị lây do nhìn. Vi-rút gây đau mắt đỏ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước, nên việc lây lan sang người khác rất dễ dàng và càng dễ bùng phát thành dịch. Chẳng hạn, nếu biết một ai đó bị bệnh đau mắt đỏ, người lớn nên tránh cho bé chạm tay vào khăn, chăn gối hoặc những vật dụng cá nhân khác của người bệnh. Nên cho bé rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, dặn bé không dụi tay vào mắt. Ngoài ra, người lớn cũng cần rửa sạch tay trước khi tra thuốc nhỏ mắt cho bé.
“Thông thường các bệnh do nhiễm virus như đau mắt đỏ sau 7-10 ngày sẽ tự khỏi. Nhưng vẫn nên cho bé uống kháng sinh để ngăn ngừa bội nhiễm và nên đưa bé đến bệnh viện. Nếu không được phát hiện và chữa trị sớm, bệnh đau mắt đỏ sẽ gây ra các biến chứng như viêm giác mạc, trầy giác mạc, mủ trong mắt dẫn đến mù lòa”, BS Chinh Nga khuyến cáo.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, cha mẹ không nên cho bé tiếp xúc và dùng chung đồ với người bệnh, cho bé rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng.
Phan Tú