Trong đó, các bệnh nhiễm trùng mùa nắng nóng thể nhẹ có thể tự khỏi nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng, gây tử vong hay di chứng lâu dài.
Bệnh nhiễm trùng hô hấp: Có thể chỉ là ho, sổ mũi, gây khó chịu vài ngày nhưng nếu không biết chăm sóc có thể dẫn đến viêm phổi hoặc từ đường hô hấp, tác nhân gây bệnh tấn công vào não bộ gây viêm não, viêm màng não, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong. Do vậy, khi thấy bé ho nhiều, thở mệt tím tái, bỏ ăn, hôn mê, co giật, cha mẹ phải nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa: Ban đầu có thể tiêu chảy, nôn ói và tự hết. Nhưng nếu bệnh do rota vi-rút thì bé có thể nôn ói nhiều, không uống được, gây mất nước nặng, rối loạn điện giải, nếu không can thiệp đúng và kịp thời sẽ tử vong. Ngoài ra, từ tiêu chảy thông thường đôi khi chuyển sang nhiễm vi trùng đường ruột, gây tiêu đàm máu rồi biến chứng sang nhiễm trùng máu, ảnh hưởng đến tính mạng. Do vậy, khi thấy bé tiêu chảy 3 ngày không hết, trong phân có máu hay thấy bé nôn ói nhiều, lừ đừ, không uống được, cha mẹ phải đưa bé đến bệnh viện ngay.
Các bệnh truyền nhiễm khác, xuất hiện định kỳ theo mùa nắng nóng đa số tự khỏi, ít biến chứng có thể kể đến:
- Thủy đậu: Bé sốt nổi mụn nước ở da 5 - 7 ngày rồi tự ổn định. Biến chứng thường thấy nhất là nhiễm trùng mụn nước gây sẹo xấu, nặng hơn thì vi trùng từ da xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết.
- Sốt phát ban: Có thể do sởi hay rubella. Bé sốt cao có thể kèm ho, sổ mũi vài ngày, rồi phát ban toàn thân. Biến chứng thường gặp là viêm phổi, suy dinh dưỡng do ăn uống kém.
- Quai bị: là bệnh lành tính, bé mắc bệnh bị sưng vùng mang tai 1 hay 2 bên, làm bé đau, nhai khó và kéo dài cả tuần mới khỏi. Quai bị hiếm thấy biến chứng nhưng bé tuổi dậy thì có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn.
- Cúm: Khi mắc bệnh, bé sốt cao, đau đầu, đau nhức tay chân, ho, sổ mũi nhiều, sau 3 - 5 ngày tự khỏi nhưng cũng có thể có biến chứng viêm phổi.
Để phòng các bệnh truyền nhiễm cho bé khi thời tiết nắng nóng, cha mẹ cần:
- Cho bé uống đủ nước (nước trái cây tươi càng tốt).
- Chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm. Không cho bé ăn uống thực phẩm ôi thiu, nhiễm bẩn…
- Sinh hoạt chống nóng phải phù hợp, không lạm dụng quá mức.
- Cho bé tiêm chủng đúng tuổi, đủ liều để ngừa những bệnh đã có vắc-xin (vì đối với những bệnh này, nếu không mắc năm nay thì năm sau cũng sẽ đối mặt với tác nhân gây bệnh lưu hành theo chu kỳ…).
BS Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa Nhiễm – BV Nhi đồng 1 (TP.HCM)