Ảnh minh họa.
Cha mẹ tự làm bác sĩ
Mấy hôm nay, chị Hoài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng vì cậu con trai gần 3 tuổi bị sốt, sổ mũi, ho, uống thuốc hạ sốt được vài tiếng lại thấy nóng tiếp. Ban đầu, bé còn chơi nhưng ăn ít, hai hôm sau bỏ ăn và quấy khóc. “Bé sốt không cao nhưng ho nhiều, chẳng chịu ăn gì, dỗ mãi cũng chỉ được vài thìa sữa”, chị Hoài buồn bã nói. Cũng giống như mọi lần, thấy con sốt, chị cho uống hạ sốt, ho thì cho uống thuốc cắt cơn ho. Thế nhưng, các cơn sốt của bé không dứt, ho cũng chẳng giảm, lại có vẻ mệt mỏi hơn. Lúc này, chị Hoài đưa bé vào bệnh viện khám thì được chẩn đoán là viêm phổi.
BS Nguyễn Văn Lộc, phòng khám Tự nguyện A (BV Nhi Trung ương), nguyên Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: Biểu hiện ban đầu của nhiễm khuẩn hô hấp cấp thường là ho, sổ mũi, thở khò khè. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng và chuyển sang viêm phổi. Khi đó, bé sẽ ho, khó thở, khàn tiếng và nhanh chóng bị suy hô hấp, có thể tử vong. Rất may, bé nhà chị Hoài được đưa đến viện kịp thời, chưa có diễn biến xấu nên chưa bị nguy hiểm đến tính mạng.
Những trường hợp tự điều trị ở nhà cho bé như thế này không hiếm. Nhiều cha mẹ chủ quan, tự làm bác sĩ, đưa con đến viện khi quá muộn đã để lại những hậu quả đáng tiếc.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
BS Lộc cho biết thêm: Viêm phổi là bệnh rất phổ biến ở các bé dưới 5 tuổi. Nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, đúng cách, bé rất dễ tử vong. Triệu chứng ban đầu thường sơ sài nên khi chẩn đoán được, bệnh đã nặng. Vì vậy, cha mẹ cần cho bé đi khám ngay khi có biểu hiện sau:
- Giai đoạn đầu: bé có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mắt, sổ mũi kéo dài; bỏ ăn, bỏ bú, quấy khóc, thở khò khè…
- Giai đoạn sau: Bé sốt kéo dài mà không giảm khi dùng thuốc hạ sốt, thở nhanh, gấp hơn khi mới phát bệnh. Ngoài ra, bé có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng.
Bác sĩ Lộc cũng đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các bậc cha mẹ về việc chăm sóc bé, để giúp bé có thể tránh được các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi như sau:
- Buổi tối khi đi ngủ, nên quàng cho bé khăn mỏng kín cổ và ngực hoặc cho bé mặc quần áo có tay.
- Vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ bằng cách súc miệng sáng – tối với nước muối loãng. Trước và sau khi ăn nên vệ sinh tay – chân – miệng để phòng vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa.
- Chế độ ăn của bé phải đảm bảo đủ dinh dưỡng để cơ thể bé đủ sức đề kháng chống lại sự thâm nhập của vi-rút, vi khuẩn. Ngoài thịt, cá, trứng, sữa… cha mẹ cần tăng cường cho bé ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là những loại rau có nhiều sinh tố C, chất khoáng (rau ngót, rau dền, rau mùng tơi, ..) sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Cho bé uống nhiều nước.
- Nếu bé hay bị viêm họng, viêm amidan thì phải điều trị triệt để, dứt điểm. Trong khi bé bị viêm phế quản phổi, tránh cho bé ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác sẽ khiến bệnh nặng hơn.
Bảo Châu