Rối loạn tiêu hóa
Đây là bệnh thường gặp nhất vào ngày Tết. Bệnh này có nguyên nhân do nhiễm siêu vi hoặc do thức ăn bị nhiễm khuẩn, hoặc do bé ăn nhiều chất ngọt quá, nhất là uống nước ngọt và ăn nhiều bánh mứt. Biểu hiện rõ nhất là bé nôn ói, tiêu chảy.
Khi bé bị rối loạn tiêu hóa, bạn tuyệt đối không nên ép bé ăn nhiều mà chỉ cần cho bé uống thật nhiều nước. Cần nhớ là nước trong phân lỏng mất bao nhiêu thì bé phải được bù bấy nhiêu cộng thêm nhu cầu hằng ngày.
Nếu bé sốt thì lau mát và uống thuốc hạ sốt. Nếu cứ ăn vào ói ra hết và tiêu lỏng nhiều lần, cha mẹ cần đưa bé đi khám.
Dị vật đường thở và đường tiêu hóa
Những bé còn nhỏ tuổi thường có khuynh hướng đưa vào miệng, lỗ tai hay lỗ mũi bất kỳ thứ gì bé bắt đuợc, mà ngày Tết nhà nào cũng có hạt dưa, hạt bí, kẹo mứt với nhiều màu sắc hấp dẫn. Do đó, bạn nên chú ý để xa tầm tay bé những món ăn hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm cho bé. Thực tế, ở phòng khám, các bác sĩ đã từng gặp nhiều bé bỏ hạt đậu phộng vào lỗ tai, lỗ mũi, có bé ngạt thở do nuốt quả chôm chôm,…, có bé ho dai dẳng hàng tháng trời, khi soi phế quản thì phát hiện hạt đậu phộng. Thậm chí, có bé còn bị sặc hạt dưa hấu.
Viêm hô hấp, suyễn
Viêm hô hấp là bệnh cũng hay gặp do bé đi chơi ở chỗ đông người dễ nhiễm bệnh, hoặc say nóng, say nắng, say gió. Ngoài ra, một số bé có tiền căn suyễn có thể dễ bị khởi phát do khói nhang, khói thuốc lá, hoặc có bé lại dị ứng với đậu phộng hoặc đồ biển,…
Bên cạnh đó, các bé đôi khi không bị bệnh, nhưng do thức khuya hoặc thay đổi nếp sinh hoạt hằng ngày như đi về quê, đi chơi xa, gặp gỡ nhiều người hơn nên các bé sẽ quấy khóc, khó ngủ hơn bình thường.
Vì vậy, để được yên tâm hơn vào 3 ngày Tết, bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt paracetamol, vài gói oresol đề phòng khi bé tiêu chảy, vài gói thuốc ho dạng cây cỏ thiên nhiên, vài lọ nước muối sinh lý nhỏ mũi, nhỏ mắt và 1 lọ thuốc sát trùng ngoài da.
BS. CK2. Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 2, BV Nhi Đồng 2 (TP. HCM)