Viêm họng là tình trạng viêm cấp niêm mạc hầu. Có nhiều loại viêm họng: viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm loét họng. Nguyên nhân gây viêm họng ở các bé phần lớn là do vi-rút Adeno, Coxsakie,... và do các loại vi khuẩn tụ cầu, liên cầu hay bạch hầu. Tùy theo lứa tuổi mà có các loại vi khuẩn khác nhau, nhưng hay gặp ở các bé dưới 5 tuổi là vi khuẩn Heamophilus influenza. Bé từ 5 - 15 tuổi đáng lưu ý vi khuẩn liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, khớp và thận. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, khói bụi, hóa chất, niêm mạc họng khô… cũng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm họng.
Viêm họng cấp do vi-rút thường diễn biến trong 3 - 4 ngày, sau khi điều trị hạ sốt, giảm ho, cho bé uống nhiều nước ấm, ho sẽ giảm và bệnh sẽ hết dần. Nhưng với viêm họng do vi khuẩn, mẹ cần lưu ý hơn vì bé sẽ có các dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, viêm hạch cổ, hạch góc hàm… Với loại viêm họng do vi khuẩn hoặc bội nhiễm sau siêu vi trùng, bé sẽ được chỉ định điều trị bằng kháng sinh trong 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần theo dõi thường xuyên, vì có thể xảy các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bé, đó là:
- Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm, bé có thể gặp các biến chứng viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản hay viêm họng tái phát. Bé sẽ sốt, ho và lười ăn, hơi thở có mùi hôi, chảy mủ tai. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm phổi, viêm tai xương chũm, nhiễm trùng huyết, viêm màng não,…
- Biến chứng vùng hầu họng: abces hầu họng, viêm tấy hạch hầu họng, viêm mô tế bào. Các biến chứng này có thể lan rộng và gây nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân.
- Viêm họng do liên cầu khuẩn: thường xảy ra ở bé 5 - 15 tuổi, có thể gây thấp khớp cấp, viêm cầu thận cấp... Bé có các dấu hiệu như sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu. Nếu bé sưng khớp lớn và khớp di chuyển, có thể là triệu chứng của thấp tim. Biến chứng thấp tim này cần được điều trị hằng tháng bằng kháng sinh cho đến khi 20 tuổi. Nếu sau viêm họng vài tuần, bé tiểu ít, tiểu máu, phù hay cao huyết áp, thì lúc đó viêm họng đã biến chứng thành viêm cầu thận cấp.
- Khi bé bị viêm họng giả mạc, cần loại trừ viêm họng do vi khuẩn bạch hầu, và cần theo dõi sát biến chứng tim mạch vài tuần sau đó.
Để tránh được những biến chứng trên, mẹ tuyệt đối không tự điều trị bằng khánh sinh cho bé, phải đưa bé đi khám ngay khi có hiện tượng sốt, ho, đau họng…
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi đồng 2 (TP.HCM)