Tại sao bé bị viêm mũi họng?
Trong vùng mũi họng của bé có một lớp màng nhầy làm nhiệm vụ bắt giữ vi trùng, bụi bẩn xâm nhập; giữ ấm, làm ẩm, làm sạch không khí, bảo vệ lá phổi của bé. Khi thời tiết thay đổi, độ ẩm tăng cao làm cho lớp màng nhầy trở nên đặc hơn, ảnh hưởng đến chức năng làm sạch, làm ấm và giữ ẩm không khí. Do vậy, vùng mũi họng của bé dễ bị viêm nhiễm, nhất là các bé dưới 6 tuổi.
Biểu hiện sớm của viêm mũi họng là cảm giác khô, rát, thường xuyên muốn uống nước, rỉ mũi nhiều và bám chặt vào mũi, tiếng thở to hơn bình thường. Cũng có khi bé hay khịt khạc và ho húng hắng nhưng không có đờm. Nếu điều trị ngay ở giai đoạn này, bé sẽ không phải sử dụng kháng sinh.
Phòng bệnh hiệu quả
Hằng ngày, cha mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý ấm vào mũi của bé để trả lại độ nhờn cho lớp màng nhầy. Tuyệt đối không nên bơm rửa mũi nhiều hoặc xì mũi mạnh để tránh đưa vi khuẩn vào tai, xoang hoặc phế quản,… gây ra biến chứng.
Nếu dịch nhầy của mũi họng quánh và có màu vàng xanh, cha mẹ cần cho bé đi khám để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp. Trường hợp điều trị tại chỗ 2 - 3 ngày mà các triệu chứng nặng thêm (sốt, ho nhiều, đau nhức vùng mặt...) phải kết hợp điều trị kháng sinh toàn thân thích hợp, kháng viêm, giảm nề theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cách phòng bệnh quan trọng nhất là giữ ấm mũi họng khi thời tiết thay đổi.
Làm gì khi bé bị viêm mũi họng do vi-rút?
Biện pháp chính trong điều trị viêm mũi họng do vi-rút là cho bé nghỉ ngơi, ăn uống các loại thức ăn dễ tiêu nhưng đầy đủ dưỡng chất, dùng thêm vitamin để tăng cường sức đề kháng; chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi bé sốt ≥ 38,50C. Khi bé bị chảy nước mũi, có thể nhỏ mũi cho bé bằng dung dịch nước muối natri clorua 0,9%, ngày 4 - 5 lần.
Đối với các bé lớn, cha mẹ cần hướng dẫn bé súc miệng bằng nước muối loãng, còn các bé nhỏ hơn phải vệ sinh răng miệng hằng ngày bằng gạc mềm, sạch.
BS.CK1 Nguyễn Thùy Trang
Trung tâm Dinh dưỡng, TP.HCM