Viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới. Tuy bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi, nhưng sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực, bệnh có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi, một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em.
Bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là các bé dưới 1 tuổi. Bé ở thành thị cũng như ở các nơi tập trung dân cư đông đúc thì tỉ lệ mắc bệnh còn cao hơn. Ngoài ra, những bé đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... cũng rất dễ bị viêm phế quản. Những bé sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng khi mắc bệnh thường diễn tiến nặng đến viêm phổi.
Tăng đề kháng cho bé
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là vi-rút, nhưng sau đó, bé có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H.influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Hơn nữa, khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm… sẽ thuận lợi cho bệnh phát sinh.
Lưu ý giữ vệ sinh môi trường sống
Viêm phế quản còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá. Đa số bé phải sống trong môi trường có khói thuốc lá rất có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính. Vì vậy, cha mẹ cần giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ, không bụi bẩn và không khói thuốc, tránh cho bé cảm giác khó chịu, đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp.
Không nên để bé bị nhiễm lạnh
Nguyên tắc điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho bé, tránh để bé bị nhiễm lạnh, nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm cho bé (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Về mùa lạnh, các cô nuôi dạy trẻ cần chú ý bố trí giờ chơi, giờ tập luyện ngoài trời cho phù hợp với thời tiết trong ngày.
Đừng cấm bé ho
Trong điều trị viêm phế quản, điều quan trọng nhất là giúp bé làm sạch các đường phế quản, nghĩa là giúp bé tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi để bé dễ thở hơn. Do đó, cha mẹ cần ghi nhớ là bé sẽ phải được cho uống nhiều nước và cần phải ho để tống hết đàm nhớt ra ngoài. Chính vì vậy, không nên tự ý cho bé uống thuốc chống ho khi thấy bé ho quá nhiều.
Ở trẻ quá nhỏ, phản xạ ho không nhiều hoặc động tác ho yếu, không đủ để tống đàm ra sẽ dễ đưa đến nghẹt đàm. Khi đó, cha mẹ cần phải đưa bé đi tập vật lý trị liệu hô hấp hoặc đi hút đàm nhớt.
Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ
Lưu ý rằng viêm phế quản là do vi-rút gây nên, điều này đồng nghĩa với việc thuốc kháng sinh sẽ không đem lại ích lợi gì cho việc điều trị. Vì vậy, không nhất thiết phải dùng kháng sinh, chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẫn, và điều này sẽ được bác sĩ đánh giá và cho y lệnh.
Cho bé uống thật nhiều nước
Khi bé bệnh, không nên ép bé ăn, chỉ cần cho uống nhiều nước ấm mỗi ngày để giúp bé không bị tắc nghẽn sung huyết. Cho bé ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như nước súp, nước cháo. Khi bé sốt nhẹ, chỉ cần uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát, hút mồ hôi tốt. Không nên ủ kín bé hoặc cho bé mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp. Nếu bé sốt cao (trên 380C), có thể cho bé uống acetaminophen (paracetamol) hay ibuprofen giúp hạ sốt và giảm đau.
Hãy đưa bé đến bệnh viện kịp thời
Nếu bé có biểu hiện thở mệt, hay thở nhanh, da tái hoặc không ăn uống, nôn tất cả những gì ăn vào thì gia đình nên đưa bé đến bệnh viện ngay trước khi quá muộn vì khi đó bé đang gặp nguy hiểm.
Ở trẻ sơ sinh, nhất là các bé sinh non và dưới 2 tháng tuổi, bệnh thường rất nặng, trong khi triệu chứng lâm sàng lại rất sơ sài, có thể không thấy các biểu hiện bệnh ở phổi. Do vậy, khi thấy bé bú kém hoặc bỏ bú, sụt cân, rối loạn tiêu hóa (nôn trớ hoặc tiêu chảy), khó thở, có những cơn ngừng thở, tím tái, sùi bọt mép, cần cho bé đi bệnh viện ngay.
Tích cực chăm sóc khi bé khỏi bệnh
Thông thường, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì sau vài ngày bé sẽ hết sốt, đỡ khó thở, hết tím tái... rồi khỏi. Sau khi khỏi bệnh, bé vẫn cần được theo dõi sát và chăm sóc chu đáo (giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, bồi dưỡng) để tránh tái phát bệnh.
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh
Trưởng khoa Dịch vụ 1, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM