Khi này, những công việc cha mẹ cần phải làm là:
Cho bé uống kháng sinh thích hợp là điều quan trọng nhất để bé có thể khỏi bệnh. Khi được bác sĩ chỉ định, cha mẹ phải nhận biết đúng dạng thuốc, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho bé uống, không được tự ý ngưng thuốc dù bệnh đã tiến triển.
Điều trị các triệu chứng kèm theo như (sốt, khò khè,…) theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc bé tại nhà:
- Tăng cường cho bé bú, ăn đủ chất, không cho bé ăn uống kiêng khem. Nên cho bé ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa ăn, cữ bú nhỏ để bé dễ ăn và tránh nôn ói khi ho nhiều. Khi bé khỏi bệnh, cần bồi dưỡng thêm cho bé mau lại sức.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, làm thông thoáng mũi để bé có thể bú, ăn dễ dàng hơn.
- Cho bé uống nhiều nước. Đây là điều rất quan trọng vì bé bị viêm phổi dễ bị mất nước khiến bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp bé loãng đờm, dịu họng, giảm ho.
- Ho là vấn đề mà cha mẹ rất quan tâm. Tuy nhiên, ho chính là 1 phản xạ có lợi để tống đờm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng, làm cho bé hít thở dễ dàng hơn. Vì vậy, không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của bé. Chỉ khi nào bé ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng,… mới nên cho bé dùng các thuốc ho an toàn. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo nên cho bé dùng các loại dược thảo, thuốc nam an toàn đã từng được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian như: tắc (quất) chưng đường phèn, rau tần dầy lá (húng chanh), mật ong, gừng, hoa hồng bạch… để trị ho cho bé. Nếu cần sử dụng thuốc ho, nên dùng các loại thuốc ho si-rô có thành phần chính là thảo dược, an toàn và phù hợp cho bé.
Tái khám cũng là một phần quan trọng trong điều trị.
- Tái khám theo hẹn: bé cần được bác sĩ khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem kháng sinh có hiệu quả hay không. Khi đó, bác sĩ sẽ quyết định bé có được dùng tiếp thuốc hay phải đổi kháng sinh khác.
- Khám lại ngay: Cha mẹ cần đưa bé đến ngay bệnh viện nếu thấy có 1 trong các dấu hiệu sau: bé thở khó khăn hơn (thở nhanh hơn, thở co lõm lồng ngực), bé không thể uống được nước, bé trở nên mệt hơn. Đây là những dấu hiệu cho biết bệnh đã trở nặng, cần nhập viện ngay.
ThS.BS Trần Anh Tuấn
Thầy thuốc ưu tú, Trưởng khoa Hô hấp – BV Nhi đồng 1, TP.HCM