Cho bé nhịn ăn
Nhiều mẹ quan niệm càng ăn nhiều thì càng ra nhiều nên khi bé bị tiêu chảy thì không cho bé ăn gì cả, với hi vọng bé sẽ mau khỏi bệnh. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Thị Thanh, BV Nhi Đồng 2, TP.HCM, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì khi bé bị tiêu chảy nhiều mà không được cho ăn, bé sẽ bị hạ đường huyết gây lạnh tay chân, toát mồ hôi và có thể gây co giật. Do đó, khi bé tiêu chảy cha mẹ không nên ép bé ăn, nhưng cũng không nên bắt bé nhịn ăn. Nên cho bé ăn thức ăn dễ tiêu và ăn nhẹ vừa phải.
Ảnh minh họa.
Không cho uống nước
Có rất nhiều gia đình sợ cho bé uống nước khi bị tiêu chảy vì “uống bao nhiêu ra bấy nhiêu”. Do đó, nếu không cho uống nước thì bé sẽ đi phân cứng lại, không còn tiêu chảy nữa. BS Nguyễn Thùy Trang, TT Dinh Dưỡng cho biết, cách chăm sóc như vậy sẽ dẫn đến những hậu quả rất nguy hiểm. Đã có nhiều bé phải nhập viện vì bị mất nước, rối loạn điện giải, thậm chí có bé rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong.
Do đó, BS Thanh cho rằng, mẹ cần phải quan niệm ngược lại “ra bao nhiêu thì uống bây nhiêu và hơn nữa”. Đó là do khi bé tiêu chảy nhiều, cơ thể mất một lương nước đáng kể, vì vậy, cần phải cung cấp thêm nước cho bé. Khi cho bé uống nước, bé có thể khó uống, dễ nôn, do đó nên cho bé uống muỗng từng ngụm nhỏ và thường xuyên.
Tự ý điều trị cho bé
Một số cha mẹ đã tự mua thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy về cho bé uống. Thực tế đã có không ít trường hợp bé vào cấp cứu vì co giật và tử vong do mất nước nhiều và không được cứu kịp thời.
Theo các bác sĩ, khi bé bị tiêu chảy do vi khuẩn, độc tố vi khuẩn nằm trong ruột nhiều nên cần thải phân ra càng nhiều càng tốt, cha mẹ chỉ cần cung cấp nước cho bé và kịp thời đưa bé đi khám. Nếu cho bé uống thuốc cầm sẽ khiến nhu động ruột giảm, ruột bị liệt làm phân không thải ra ngoài được, trong khi đó các vi khuẩn có hại vẫn còn tồn ứ trong ruột, gây viêm ruột, thủng ruột, rất nguy hiểm đến tính mạng của bé.
Cho bé dùng sữa chua
Có quan điểm cho rằng sữa chua có tác dụng cầm tiêu chảy nên khi bé bị tiêu chảy, các mẹ rất hăng hái mua sữa chua về cho bé ăn. Thế nhưng, theo BS Lê Hoàng Phúc, Trưởng khoa Tiêu Hóa, BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, tuy trong sữa chua có rất nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa và đường ruột, nhưng để cầm được tiêu chảy thì lượng sữa chua bé cần uống trong ngày là trên 1 lít. Điều này là hoàn toàn không thể thực hiện được. Nếu chỉ cho bé ăn vài hũ sữa chua thì không có tác dụng gì đối với bệnh tiêu chảy. Hơn nữa, như BS Phan Thị Hiền Thu, TT Dinh Dưỡng TP.HCM cho biết, sữa chua nếu để lâu ngày sẽ rất chua, chính độ chua này gây kích thích nhu động ruột sẽ khiến tình trạng tiêu chảy còn nặng hơn. Vì vậy, mẹ không nên dùng sữa chua làm thuốc điều trị tiêu chảy cho bé.
Chữa theo kinh nghiệm dân gian
Trong các phương pháp điều trị tiêu chảy, các mẹ thường truyền miệng nhau các bài thuốc từ cây cỏ, như nước lá ổi, sái phiện (á phiện). Những biện pháp này tuy có công dụng cầm tiêu chảy nhưng lại khiến bé bị ngộ độc, gây nguy hiểm đến tính mạng bé.
Do đó, về mặt dinh dưỡng, các loại thực phẩm có chất chát như nước ép ổi, nước ép cà rốt tuy có tác dụng giúp làm se niêm mạc ruột, cầm tiêu chảy, nhưng mẹ nên thao khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng trước khi quyết định áp dụng cho bé, và tuyệt đối không được dùng sái phiện cho bé.
Hải Thùy