Mùi nào, bệnh đó
Khi hơi thở của bé có mùi khó chịu, bạn hãy chú ý phân biệt để biết rằng có thể bé đã mắc bệnh gì.
- Hơi thở có mùi táo ủng: Có thể bé bị tiểu đường hay nhiễm ceton acid do dịch chảy ra từ khoang mũi khiến hơi thở có mùi.
- Hơi thở có mùi chua: Bé bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa.
- Hơi thở có mùi tanh: Có nghĩa là hệ trao đổi chất của bé có vấn đề khiến hơi thở có mùi tanh nồng rất khó chịu.
- Hơi thở có mùi hôi nồng (tương tự như mùi trứng thối): Lúc này, gan của bé đã có vấn đề. Rất có thể chức năng gan của bé không khỏe hoặc bé mắc bệnh về gan. Bạn cần đưa bé đi khám để có cách điều trị kịp thời và khoa học.
Còn những trường hợp khác, hơi thở của bé có mùi hôi sau khi ăn hoặc lúc sáng chưa vệ sinh răng miệng, chính là hậu quả liên quan đến các bệnh về răng miệng như viêm nướu hoặc chảy máu chân răng.
Chữa trị cho bé bằng cách nào?
Khi bị hôi miệng, bé thường chưa tự ý thức được nên bạn phải giúp đỡ bé khắc phục vấn đề này. Việc đầu tiên cần làm để giúp bé không còn bị hôi miệng, đó là rèn cho bé thói quen chăm sóc răng miệng hằng ngày (đánh răng ít nhất 2 lần/ngày). Bạn nên dạy bé cách đánh răng sao cho đúng và khi đánh răng thì nên vệ sinh cả lưỡi, vì vi khuẩn cũng phát triển rất mạnh ở đây.
Bạn nên thường xuyên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra răng miệng cho bé. Khi miệng bé có mùi khó chịu, nếu được khám, bé sẽ được các bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất và có chế độ điều trị cũng như chăm sóc hợp lý.
Tuy nhiên, bạn cần phải rất tâm lý và tế nhị, đừng để bé biết rằng hơi thở mình đang có vấn đề. Hãy cố gắng coi đây là một việc bình thường nếu không muốn bé trở nên tự ti, nhút nhát.
Ngọc Diệp