Tình trạng hẹp bao quy đầu sẽ giảm dần khi bé lớn lên, đến khi bé 3 tuổi, tỷ lệ hẹp bao quy đầu chỉ còn 10% và cho đến khi bé 14 tuổi, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 1%.
Hẹp bao quy đầu thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể bao quy đầu không thể lộn ra ngoài được, có thể chỉ lộ ra được miệng lỗ sáo, có thể chỉ lộn ra được một nửa quy đầu hay có thể da quy đầu không vượt qua được vành quy đầu.
Do bao quy đầu hẹp nên mẹ không thể lộn xuống để vệ sinh vùng quy đầu của bé hằng ngày, gây nên tình trạng viêm nhiễm quy đầu và bao quy đầu mạn tính, có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên đường tiết niệu. Cũng do bao quy đầu hẹp nên các chất tiết từ niêm mạc quy đầu kết hợp với sự ứ đọng nước tiểu sau mỗi lần đi tiểu của bé, dần dần các chất tiết này kết tinh lại với nhau tạo thành các mảng trắng lắng đọng và bám dính vào quy đầu. Dưới tác động của vi khuẩn, các mảng trắng này có thể tạo thành các viên sỏi canxi. Đây là nguồn gốc gây nên những đợt viêm nhiễm sốt cao tái phát ở bé. Ngoài ra, bao quy đầu hẹp sẽ làm cản trở sự phát triển dài ra của thân dương vật, gây nên tình trạng dương vật ngắn và lún khi bé lớn lên. Hậu quả cuối cùng của hẹp bao quy đầu nếu không được can thiệp có thể gây ung thư quy đầu về sau.
Vì vậy, việc nhận biết bé bị hẹp bao quy đầu và can thiệp kịp thời là điều hết sức quan trọng để tránh những tác hại xấu đối với sự phát triển cơ quan sinh dục của bé. Thời điểm can thiệp hẹp bao quy đầu thích hợp nhất là trong vòng 1-2 tuổi. Can thiệp vào thời điểm này, nguy cơ tạo nên các vòng xơ thứ phát do viêm nhiễm sẽ rất ít, bé không quấy khóc và giãy giụa nhiều, da bao quy đầu mềm mại và mặt trong da quy đầu không dính chặt vào quy đầu nên dễ can thiệp. Và đặc biệt, nếu can thiệp vào thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý của bé trước và sau thủ thuật.
Khi phát hiện ra bé bị hẹp bao quy đầu, cha mẹ cần đưa bé đến khám và tư vấn bác sĩ. Có nhiều cách để can thiệp hẹp bao quy đầu, tuy nhiên cha mẹ nên ưu tiên lựa chọn các phương pháp can thiệp ít xâm hại đến bé, nghĩa là không cắt bao quy đầu mà chỉ nong lộn và tách da bao quy đầu. Với phương pháp này, cha mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn tỉ mỉ cách tự nong bao quy đầu cho bé ở nhà. Sau khi da bao quy đầu đã giãn đủ lớn (bằng hoặc gần bằng da của thân dương vật) thì mới tiến hành tách dính giữa da quy đầu với quy đầu. Nếu cha mẹ kiên trì thực hiện thì hầu hết bé sẽ tránh được việc dùng dao và kéo để cắt bao quy đầu.
ThS. BS Nguyễn Hoài Bắc
Trung tâm Nam học, BV Hữu nghị Việt Đức