Viêm họng thường khởi phát đột ngột với sốt, mệt mỏi, kém ăn, nhức đầu, đau họng.
Nếu do siêu vi gây ra, bệnh khởi phát kèm theo sổ mũi nước trong, nghẹt mũi, kết mạc mắt đỏ, khàn tiếng, ho. Nghiên cứu dịch tễ ở Hoa Kỳ cho thấy trẻ nhũ nhi thường bị 6 – 8 đợt viêm họng mỗi năm và sau 6 tuổi, số đợt viêm họng giảm dần. Việc sử dụng kháng sinh trong viêm họng do siêu vi thường là không cần thiết trừ khi có bội nhiễm vi khuẩn. Chính sự lạm dụng kháng sinh này sẽ gây tốn kém cho gia đình bệnh nhân, làm lãng phí cho xã hội và gia tăng hiện tượng đề kháng kháng sinh. Biện pháp chính trong điều trị viêm họng cấp do siêu vi là cho bé nghỉ ngơi, tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách dùng các loại vitamin, ăn uống các loại thức ăn dễ tiêu nhưng đầy đủ chất. Chỉ dùng thuốc hạ nhiệt khi bé sốt ≥ 38,50C.
Nếu do vi khuẩn, bé thường nhức đầu nhiều, buồn nôn, nôn ói, ớn lạnh hoặc lạnh run, đau họng, sưng đỏ và phù nề lưỡi gà, thành sau họng sung huyết đôi khi có mủ lấm tấm. Các biến chứng thường gặp của viêm họng do vi khuẩn là mưng mủ, viêm hạch cổ, áp xe quanh amiđan, viêm tai giữa, viêm thanh thiệt cấp, sưng đau khớp gối, khuỷu tay, thấp tim, viêm cầu thận cấp… trong đó, cần lưu ý đến biến chứng thấp tim hay thấp khớp cấp dẫn tới tổn thương các lá van của tim gây di chứng van tim hoặc suy tim. Bên cạnh đó, biến chứng viêm cầu thận cấp cũng có thể xảy ra đôi khi dẫn đến suy thận rất đáng tiếc.
Với các đặc điểm nêu trên, viêm họng do vi khuẩn cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Khi nghĩ bé bị viêm họng do vi khuẩn, cha mẹ nên đưa bé đến khám ngay mà không nên tự ý dùng kháng sinh vì tùy theo tình trạng bệnh của bé và các tổn thương được phát hiện, các bác sĩ sẽ cho chỉ định kháng sinh thích hợp.
Phòng ngừa viêm họng chủ yếu là giữ ấm bé vào mùa lạnh, tránh để bé tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi của môi trường, cho bé ăn uống đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng.
PGS.TS. Bùi Quốc Thắng
Phó Trưởng BM Hồi sức Cấp cứu Chống độc
GV Chính BM Nhi Trường ĐH Y Dược TPHCM