Răng sữa không hề kém quan trọng mà nó còn có vai trò then chốt đối với bé. Sau 6 tháng, bé sẽ bắt đầu ăn bổ sung với những thức ăn cứng và khó tiêu hơn. Lúc này, răng sữa chính là công cụ chủ yếu giúp bé nhai, cắn và tiêu hóa thức ăn.
Răng sữa là tiền đề để mọc răng vĩnh viễn. Nó giúp răng vĩnh viễn mọc đều hơn, không chen chúc. Thông thường, một răng sữa mọc lên và đứng trên cung hàm. Sau vài năm, chân răng bắt đầu tiêu dần, chuẩn bị nhường chỗ cho một mầm răng vĩnh viễn sẽ trồi lên ngay đúng vị trí đó. Nếu răng sữa bị hỏng và phải nhổ sớm, mầm răng vĩnh viễn bên dưới chưa lớn kịp nên không mọc ngay được, lỗ nhổ răng đó bị bít lại và cứng chắc. Mầm răng vĩnh viễn mọc lên sẽ gặp khó khăn, mọc chậm và đôi khi mọc lệch.
Răng sữa còn giúp bé phát âm. Nếu răng sữa bị hỏng sớm, phải nhổ, bé có thể nói ngọng.
Những vấn đề thường gặp khi bé mọc răng
Lúc mọc răng, mỗi bé có một cách phản ứng riêng, không bé nào giống bé nào. Một số bé bị đau nướu trong khi nhiều bé lại vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Chảy nước dãi nhiều, má bị đỏ, đau ngứa lợi, khóc nhiều hơn bình thường… là những biểu hiện thường thấy ở bé trong quá trình mọc răng sữa.
Nếu bé quấy khóc nhiều, cha mẹ có thể đưa bé đi khám bác sĩ để có cách giúp bé giảm đau khi mọc răng. Hiện nay, người ta vẫn còn đang tranh cãi việc mọc răng có gây tiêu chảy hoặc bị nổi rôm sảy hay không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, mọc răng không hề gây cho bé bị sốt cao, ho, co giật hay bất cứ một triệu chứng nghiêm trọng nào khác. Nếu bé xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám, bởi các triệu chứng này không phải là do mọc răng.
Quá trình thay răng diễn ra như thế nào?
Thông thường, bé thay răng khi 6 – 12 tuổi, cũng có những trường hợp thay răng sớm khi bé 4 tuổi hoặc muộn khi bé 8 tuổi. Và chiếc răng sữa cuối cùng sẽ rụng khi bé 12 - 13 tuổi.
Hàm răng của bé được coi là phát triển bình thường khi thứ tự của các răng vĩnh viễn sẽ mọc tương tự như răng sữa, nghĩa là chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Vì thế, cha mẹ có thể đoán được thứ tự rụng của những chiếc răng sữa này, đồng thời biết được thứ tự của những chiếc răng vĩnh viễn sẽ mọc lên. Tuy nhiên, thứ tự thay răng của hàm trên sẽ khác một chút so với hàm dưới. Nếu như thứ tự phổ biến của hàm trên là: răng cửa giữa, răng cửa bên rồi đến răng tiền cối, răng nanh và các răng cối lớn thì đối với hàm dưới sẽ là: răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, răng tiền cối và cuối cùng là các răng cối.
Thời gian thay răng diễn ra ngắn hay dài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: đặc điểm của từng loại răng và vị trí của răng, ví dụ, răng một chân thì thời gian thay răng sẽ chỉ diễn ra trong vài tuần nhưng đối với răng nhiều chân như răng cối thì đòi hỏi thời gian lâu hơn, có thể từ 1 – 2 tháng. Cũng như, các răng được mọc trong điều kiện thoải mái thì thời gian thay răng sẽ ngắn hơn so với những chiếc răng bị kẹt trong khe hay bị chèn ép bởi các răng khác.
Ngoài ra, một số thói quen xấu của bé cũng góp phần ảnh hưởng đến thời gian thay răng. Ví dụ như khi những chiếc răng sữa rụng đi, bé sẽ thấy miệng mình có khoảng trống và thường đưa tay vào miệng hay dùng lưỡi để tác động vào đó. Việc tác động này còn có thể gây ra viêm nhiễm, vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở để bé bỏ dần những thói quen xấu này.
TS.BS Phạm Như Hải
Trưởng khoa Răng miệng, BV Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội)