Nguyên nhân răng lệch lạc
Lệch lạc răng thường liên quan đến di truyền và các bệnh lý mắc phải trước sinh, sau sinh như các bệnh lý của mẹ trong thời kỳ mang thai, các thủ thuật không đúng trong khi sinh, các bệnh lý sau sinh như: sâu răng, viêm quanh răng, thói quen xấu, các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng...
Như vậy, để đảm bảo cho bé có một hàm răng đều đẹp thì không phải đợi đến khi bé thay hết hàm răng sữa (khoảng 12 tuổi), cha mẹ mới mang bé đi khám bác sĩ mà phải nghĩ đến tương lai của bé từ sớm hơn, ngay từ trong bụng mẹ.
Muốn hàm răng của bé phát triển bình thường thì ngay từ khi mang thai, mẹ phải khỏe mạnh, không mắc các bệnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển răng hàm của bé về sau (như các bệnh lý ảnh hưởng đến chuyển hóa can xi, các bệnh lý cấp tính nặng trong thời kỳ mang thai có thể gây các dị tật vùng hàm mặt như là sứt môi, hở hàm ếch, các hội chứng gây dị dạng xương hàm...).
Sau khi sinh, mẹ cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn các thức ăn xay nhuyễn kéo dài vì sẽ làm xương hàm kém phát triển, tránh một số bệnh lý gây rối loạn chuyển hóa can xi, phốt pho có thể làm răng và xương phát triển bất thường. Thời kỳ này, bé cũng dễ bị mắc một số thói quen xấu như mút ngón tay, cắn môi lưỡi có thể làm xương hàm phát triển lệch lạc hoặc một số bệnh lý tai mũi họng như viêm VA kéo dài, quá phát Amydale cũng làm xương hàm phát triển bất thường.
Trong thời kỳ hàm răng sữa này (bé dưới 6 tuổi), nếu hàm răng của bé không được giữ gìn tốt thì có thể dẫn đến rối loạn quá trình mọc răng vĩnh viễn.
Khi nào nên can thiệp?
Nhiều cha mẹ băn khoăn không biết khi nào nên cho con đi nắn chỉnh răng. Việc chỉnh răng nên được thực hiện càng sớm càng tốt, vì càng lớn tuổi, xương hàm càng cứng làm cho việc di chuyển răng gặp nhiều khó khăn. Thời điểm thích hợp nhất để can thiệp nắn chỉnh răng cho bé là giai đoạn hàm răng hỗn hợp (6-12tuổi). Khi đó, việc chỉnh răng sẽ giúp cho sự phát triển hài hòa của khuôn mặt. Thường thì nha sĩ sẽ chỉ chỉnh sửa các thói quen xấu, hướng dẫn sự phát triển của xương hàm.
TS.BS Phạm Như Hải
Trưởng khoa Răng miệng, BV Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội)