Tạo ấn tượng mạnh
Bé nói dối là sự biểu đạt về một hình ảnh mà bé đã tưởng tượng ra. Bé có trí tò mò vô hạn và sức tưởng tượng phong phú. Trong đầu bé luôn diễn ra sự tập hợp những hình ảnh có thật để tạo ra một hình ảnh ảo. “Sản phẩm” do bé tạo ra luôn theo sát bé và ít nhiều thoả mãn được một nhu cầu nào đó của bé. Đến một lúc nào đó, bé sẽ cho rằng đó chính là hình ảnh thật và chia sẻ hình ảnh đó với mọi người. Chẳng hạn như, bạn đã từng nghe bé khẳng định về một con mèo hai đuôi mà bé nhìn thấy trong bếp; hai con chuột nói chuyện với nhau ở bể nước; sáng nay, ngoài chợ người ta bán một trái bí ngô to bằng cái bàn ăn,…
Thái độ tốt nhất của bạn lúc này là đừng nên “cấm tiệt” những lời nói dạng đó ở bé. Bạn cần gợi ý để bé có thể phân biệt được đâu là hình ảnh mà bé thấy và cái gì là do chính bé nghĩ ra. Trò chuyện để biết động cơ mà bé nói với mọi người về hình ảnh đó là gì, từ đó, khuyên bé đừng nói những lời như thế để hù doạ mọi người vì như thế là không tốt. Hãy vui vẻ chia sẻ cùng bé do đâu mà bé “thấy” được những hình ảnh con mèo hai đuôi, quả bí ngô, những hình dung của bé về cuộc nói chuyện của những chú chuột,… để định hướng và khuyến khích trí tưởng tượng ở bé. Bởi lẽ, những bé có trí tưởng tượng phong phú và được vun bồi đúng cách luôn hứa hẹn sẽ làm nên những điều kì diệu trong học tập và trong cuộc sống sau này.
Để mua vui
Có nhiều bé thích hô hoán một cách vô căn cứ để chọc ghẹo người khác, và lấy làm đắc ý vì sự hoảng loạn của mọi người. Bạn nhất thiết phải ngăn chặn và phê bình bé một cách nghiêm túc để bé tự nhận thấy hậu quả tồi tệ dành cho những bé lừa dối người khác. Đồng thời, trên thực tế, sau những lời nói dối, bé đã không nhận được cái nhìn thiện cảm, ánh mắt yêu thương mà mọi người dành cho mình. Chính phản hồi đó sẽ buộc bé phải cải chính lời nói của mình và không tái phạm.
Vì sĩ diện
Bé rất muốn nhận được lời khen ngợi từ mọi người và một sự “bằng vai phải lứa” với những người bạn của chúng. Đó chính là nguyên nhân để bé phóng đại những khả năng của bản thân cũng như của gia đình và những người thân của mình. Đối với những bé này, đồng thời với thái độ cảm thông, chia sẻ, bạn cần nắm bắt mặt tích cực của bé là muốn khẳng định bản thân mình. Từ đó, khuyến khích bé cố gắng và nỗ lực hết mình trong học tập cũng như các hoạt động khác để chứng minh với mọi người những gì bé nói là hoàn toàn có thật. Bên cạnh đó, giúp bé hiểu được rằng một đứa trẻ tốt, đáng nhận được vinh quang chỉ có thể là những đứa trẻ thực sự quyết tâm.
Do bắt chước
Có không ít phụ huynh thường xuyên nói dối, thậm chí yêu cầu bé nói dối với người khác. Và đương nhiên, lúc này, việc bé nói dối chính là kết quả của một quá trình được rèn luyện. Tất cả những hành động, lời nói của người xung quanh sẽ trở thành những chuẩn mực, khuôn mẫu về đạo đức, phẩm hạnh mà bé sẽ hướng theo trong quá trình phát triển của mình. Chính vì thế, bạn phải bắt đầu từ việc điều chỉnh chính bản thân mình. Việc giáo dục bé chỉ có thể thành công khi cha mẹ là một hình mẫu về những đức tính mà bạn muốn bé có.
Vì lòng nghĩa hiệp
Có những bé vì muốn bao che, bảo vệ cho những sai lầm của người khác mà buột miệng nói dối. Chẳng hạn, bé muốn thay em mình nhận trách nhiệm về việc vô ý làm vỡ bình trà mà bố rất thích. Lúc này, bạn cần phải kiên nhẫn và ôn hoà để xác định rõ thủ phạm là ai, đồng thời cần khuyến khích để bé bộc bạch vì sao lại muốn nhận lỗi thay. Cách xử lý cần thiết nhất không phải là tuyên dương “sự tương thân” của bé mà phải hướng bé vào việc hình thành lòng can đảm, khi có lỗi thì phải nhận lỗi, và phải biết chấp nhận, đương đầu với những sai lầm do mình gây ra.
Bị ép buộc
Sau khi mắc lỗi, vì lo sợ mà bé sẽ chọn cách nói dối để trốn tránh sự trách phạt. Bạn cần hết sức bình tĩnh, tuyệt đối không gắt gỏng và tức giận để có thể nhận được sự hợp tác của bé, từ đó hiểu rõ hơn nguyên nhân giấu diếm của bé. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy an toàn và yên tâm để bộc bạch cùng bạn. Trong mắt bé, cha mẹ không những đáng được tôn kính mà còn là chỗ dựa vững chắc để sẻ chia, thực sự là những người bạn tri ân. Và từ đó về sau, nói dối đối với bé không còn cần thiết nữa.
ThS Tô Nhi A
GV Trường CĐSPTW (TP.HCM)