Chơi theo thời gian: Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà internet và các thiết bị công nghệ mang lại. Vì vậy, các bé nên chơi theo thời gian quy định, dưới sự cho phép của cha mẹ.
Thường xuyên hoạt động ngoài trời: Các nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy cho thấy: nếu dành nhiều thời gian để ngồi trước màn hình ti vi hay máy vi tính, xương của bé có thể kém phát triển. Vì vậy, bé cần xây dựng thói quen vận động, nhất là các hoạt động ngoài trời. Tùy theo khả năng và sở thích, bé có thể chơi và tập luyện một số bài tập đơn giản nhưng tốt cho sức khỏe như: đi bộ, nhảy dây, đạp xe đạp, đá cầu...
Học từ cha mẹ: Trong nhà, người lớn cũng chỉ sử dụng máy tính, internet do tính chất công việc mà thôi! Mỗi khi cần phải làm việc lâu trên máy tính, mẹ cũng rời màn hình để cho mắt nghỉ ngơi bằng việc đi phơi quần áo, hay bố luôn thay đổi tư thế với việc giải trí bằng 1 ván cờ trong vòng 15 phút... Vì vậy, bé đừng nên miệt mài lướt web hàng giờ đồng hồ hoặc khi cả nhà được mời ăn cơm ở nhà người quen, họ hàng, trong lúc gia chủ dọn thức ăn, bé lại chỉ chăm chăm “chúi mũi” vào màn hình điện thoại, máy tính, ti vi... khiến mọi người phải chờ đợi hoặc mời gọi liên tục nhé!
Sử dụng sách báo làm tài liệu tham khảo: Bé cần linh động, không quá phụ thuộc vào các thiết bị máy móc hiện đại. Bé nên sử dụng từ điển dành cho học sinh, từ điển bách khoa cho trẻ em, tạp chí phù hợp với độ tuổi... để tra cứu, tìm hiểu kiến thức.
Tự bảo vệ mình: Đối với lứa tuổi tiểu học, các bé cần nhiều thời gian để học tập, vui chơi. Vì vậy, bé không nên tham gia mạng xã hội. Các bé lớn hơn có thể sử dụng internet để giao lưu, chia sẻ nhưng tuyệt đối không nên khai báo những thông tin cá nhân như hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại, tên trường, tên cha mẹ... để tránh bị lợi dụng, gây tổn hại đến bản thân bé. Nếu bé có email, rất có thể bé sẽ nhận được những tin nhắn hoặc email nằm ngoài ý muốn (hình đồi truỵ, bạo lực, nội dung không lành mạnh…), bé phải lập tức thông báo với cha mẹ.
CVXHH Nguyễn Thị Thanh Thúy