Hôm nay đi chợ, mẹ đưa cả bé Minh đi theo. Trong lúc mẹ đang chọn rau, Minh giật áo mẹ rồi hí hửng: “Mẹ, mẹ nhìn này”. Quay ra, mẹ thấy Minh toe toét cười, trên tay là một quả xoài còn xanh lét. Giật mình, mẹ hỏi: “Con lấy ở đâu vậy?”. Minh trả lời rất hồn nhiên: “Con lấy của cô kia kìa. Lúc cô ấy gánh hàng qua chỗ con, con chỉ giơ tay ra là lấy được rồi mà cô ấy chẳng biết gì hết.” Nói xong, Minh cười toe toét, có vẻ rất hí hửng vì “chiến lợi phẩm” của mình mà không hề để ý thấy rằng nét mặt mẹ đang căng ra và có vẻ bực bội.
Mẹ đang cố gắng giữ bình tĩnh và không lôi con ra mắng ngay vì cái tội “ăn trộm” đồ của người khác. (Ảnh minh họa).
Bé Minh yêu của mẹ ơi, mẹ đang cố gắng giữ bình tĩnh và không lôi con ra mắng ngay vì cái tội “ăn trộm” đồ của người khác. Ngày xưa, con giấu đồ chơi của bạn Hạnh ở trong tủ quần áo, bạn ấy đã khóc ầm lên và mách mẹ. Mẹ đã nói với con rằng, hành động lấy đồ của người khác là rất xấu và thường bị mọi người tẩy chay. Nếu nghiêm trọng hơn còn có thể bị các chú công an bắt vào đồn và tạm giam trong đó để xử phạt nữa.
Con còn nhớ, hôm trước, gia đình bác Lan bên cạnh nhà mình bị bọn kẻ trộm vào tận nhà dắt mất cái xe máy khi cả nhà bác ấy đang mải xem tivi? Rất may có bác Tú tổ trưởng nhìn thấy, bác ấy hét ầm lên và mọi người xông ra đuổi theo tên trộm. Rốt cuộc, tên kẻ trộm rồi cũng bị tóm, mấy cậu thanh niên trong phố nóng nảy còn lao vào đấm đá túi bụi tên trộm đến nỗi hắn chảy cả máu đầu, mọi người chạy vào can mãi mới được.
Hôm đó, con nhìn thấy cảnh này, cứ liên tục hỏi mẹ tại sao cái chú kia (kẻ trộm) lại bị đánh như vậy. Mẹ trả lời con vì người đó có hành động không tốt, tự tiện vào nhà bác Lan ăn trộm đồ không phải của mình nên bị mọi người đuổi theo và đánh, sau đó còn bị các chú công an đưa lên phường.
Con thấy không, những hành động xấu như thế thường bị mọi người lên án và tẩy chay. Thế nên, những hành động tùy tiện như lấy trộm đồ của người khác chỉ để thỏa mãn ý thích và ham muốn của mình là không thể chấp nhận. Con đã nhìn thấy biết bao bài học, đã được mẹ nhắc nhở nhiều lần, vậy mà hôm nay, cái tay “táy máy” của con vẫn cứ thích nghịch ngợm, “sờ” vào những thứ của người khác mà không hề xin phép.
Con nghe mẹ hỏi, mếu máo bảo với mẹ rằng con không nghĩ hành động lấy đi một quả xoài thế này là hành động xấu. Thực ra, con chẳng thích ăn xoài, mà lại là xoài xanh nữa. Con cứ nghĩ quả xoài chỉ là một loại đồ ăn bình thường, ít có giá trị nên dù con có tiện tay lấy trộm một quả của cô bán hàng thì cũng chẳng hề hấn gì.
Nhưng mẹ không chấp nhận lời “bao biện” của con. Một món đồ nào đó, dù có giá trị nhỏ hay lớn, nếu không được sự đồng ý của chủ nhân, chúng ta không được động vào mà không xin phép. Một hành động xấu dù là nho nhỏ thôi (ấy là con nghĩ thế) nhưng có thể gây tổn thương đến nhiều người khác, đó là chưa kể đến việc chỉ từ những hành động nhỏ có thể biến thành những hành động xấu khác nhưng lớn hơn, nghiêm trọng hơn và làm ảnh hưởng đến mọi người nhiều hơn. Một kẻ ăn cắp vặt sẽ trở thành kẻ ăn cắp chuyên nghiệp nếu chúng cứ quen tay và nhận ra việc ăn cắp là quá đơn giản nên tội gì phải lao động, phải vất vả kiếm sống. Một trò vui của con, dù chỉ là lấy trộm một quả xoài xanh mà con chẳng hề thích ăn nhưng rất có thể sẽ kéo con vào những trò vui tiếp theo tương tự như thế.
Hãy để cho đôi tay biến thành một “công cụ” hữu ích, giúp con tiến bộ mỗi ngày, giúp con biết yêu thương. (Ảnh minh họa.
Bàn tay xinh xắn của con được mẹ rửa sạch hằng ngày. Bàn tay xinh xắn của con được mẹ yêu thương, nó còn giúp con tập vẽ, tập múa, nặn đất cùng bao nhiêu trò chơi khác mà con luôn phải vận dụng đến đôi bàn tay ấy. Bởi thế, hãy để cho đôi tay ấy biến thành một “công cụ” hữu ích, giúp con tiến bộ mỗi ngày, giúp con biết yêu thương như khi con vuốt tóc mẹ, ôm chặt mẹ, lau mồ hôi trên trán cho mẹ hoặc lúc giúp mẹ làm bếp chứ đừng biến nó trở thành một bàn tay hưmột bàn tay không biết nghe lời mà cứ thích táy máy, nghịch dại, lấy trộm đồ của người khác.
Mẹ đã dắt con đi quanh chợ để tìm lại cô bán xoài. May quá, cô ấy chẳng đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong chợ nên cuối cùng mẹ con mình cũng tìm ra. Lúc đưa lại quả xoài, cô ấy chẳng hiểu gì cả vì không phát hiện ra gánh xoài bị thiếu mất một quả, con thì lại lí nhí xin lỗi vì sợ và xấu hổ nên mẹ phải giúp con nói lại “vấn để” cho rõ ràng để cô ấy hiểu và tha lỗi cho con. Nụ cười của cô ấy khiến con bớt run và dũng cảm hơn. Con hứa với mẹ và cả cô ấy nữa là từ nay sẽ không bao giờ nghịch ngợm như vậy. Mẹ khen con giỏi vì biết nhận lỗi, cô bán xoài cũng khen con và còn định lấy thêm một quả xoài tặng con nữa nhưng con không dám nhận. Lúc về nhà, mẹ bảo con ra sân rửa tay cho thật sạch để cái tay hư ban nãy “rửa” được lỗi lầm của mình và phấn đấu trở thành một bàn tay thật ngoan.
Sau bữa cơm tối, con ríu rít biểu diễn văn nghệ cho cả nhà. Mẹ nghe con líu la líu lô hát: “Hai bàn tay của em tay em múa cho mẹ xem. Hai bàn tay của em như hai con bướm xinh xinh. Khi em giơ tay lên là bướm xinh bay múa. Khi em giơ tay xuống là con bướm đậu trên cành hồng…”
Phương Linh