Vì sao bé không nói gì?
Nhiều cha mẹ cứ thắc mắc rằng: “Nếu bị bắt nạt, tại sao con lại không chịu nói gì với người lớn để bố mẹ tìm ra biện pháp khắc phục?”. Tuy nhiên, bé không muốn chia sẻ với bố mẹ cũng bởi nhiều lý do. Trước hết, người lớn quá bận rộn nên chẳng có nhiều thời gian trò chuyện với con. Bé vừa mới định nói thì bố mẹ lại ngắt lời. Vả lại, bé chẳng có bằng chứng gì để nói với bố mẹ rằng mình đang bị các bạn bắt nạt ở trên lớp. Các bạn chỉ trêu thôi, trêu bằng lời nói, có lúc lại bứt tóc, đá nhẹ vào mông. Bé chẳng đau lắm đâu, nhưng cảm thấy bị cô lập và tổn thương ghê gớm về mặt tình cảm. Bé chẳng thể nói ra được những cảm giác này một cách mạch lạc với bố mẹ vì vẫn còn là trẻ con. Nhưng nếu bé chỉ nói đơn giản là: “Con ghét đi học bởi có nhiều bạn ghét con”, bố mẹ, cô giáo có tin bé không hay cho rằng bé là đứa thích bịa chuyện?
Thế nên, cách duy nhất để bé mở lời chính là nhờ sự chủ động hỏi han, quan tâm thường xuyên của cha mẹ. Nếu thấy con có những biểu hiện sợ đi học, có ít bạn bè hoặc ít kể về bạn bè, luôn có cảm giác tự ti, ngại tham gia các hoạt động tập thể…, cha mẹ cần phải lưu tâm hơn nữa và tìm hiểu về môi trường lớp học của con. Rất có thể đây là những “dấu hiệu” chứng tỏ rằng bé đang bị bắt nạt ở trên lớp và rất cần sự giúp đỡ của người lớn.
Cùng con chuyện trò
Trước khi bắt đầu trò chuyện cùng con, hãy chuẩn bị sẵn ra giấy những điều bạn muốn nói với con trong buổi trò chuyện. Trong vai trò làm cha, làm mẹ, bạn nên chọn thời điểm nhà vắng người để có thể thoải mái giao lưu cùng bé. Hãy bắt đầu bằng việc thể hiện tình cảm với con, nói với bé là bạn rất yêu con và có thể cùng con vượt qua bất cứ khó khăn nào mà con đang gặp phải.
Khi trò chuyện với con, cha mẹ cần phải rất điềm tĩnh, giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi. Lúc này, bạn có thể bày tỏ thái độ không vui lắm vì dạo này nhận thấy rằng con có những thay đổi về tính cách cũng như hành động. Tất nhiên, bạn không nên nói với con bằng thứ ngôn ngữ chỉ trích, phàn nàn. Thay vì bảo rằng: “Dạo này mẹ cứ thấy thấy con cáu kỉnh, khó tính làm sao ấy”, bạn có thể nói: “Con của mẹ vốn dĩ rất đáng yêu, biết nghe lời, nhưng dạo này mẹ thấy con hay nhăn nhó vô cớ. Mẹ đang tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với con yêu của mẹ vậy? Con không phải là một đứa bé thích nhăn nhó, cáu bẳn như vậy cơ mà?”.
Cho phép con được nói
Cha mẹ cần phải thật bình tĩnh khi con nói ra cảm giác, tâm sự của mình. Bạn nên yên lặng lắng nghe chứ đừng tìm mọi cách ngắt lời bé. Cha mẹ có thể trấn an con bằng những câu nói: “Mẹ biết là con rất khó nói ra điều này, nhưng mẹ hứa là có thể giúp con vượt qua được những nỗi sợ hãi, miễn là con nói được ra những điều khiến con lo lắng khi ở lớp là gì…” hoặc: “Nếu nói được ra với mẹ, chắc chắn con sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều đấy!”.
Và khi bé thừa nhận việc đang bị bạn bè bắt nạt ở trên lớp, cha mẹ, thầy cô giáo mới có thể kết hợp với nhau để giúp bé vượt qua được khủng hoảng này và yên tâm hơn khi bé tới lớp.
Diệu Ly