Tiếng lanh lảnh của mẹ Oanh cứ vang lên trong phòng: “Cất đồ chơi, cất nhanh... Con mà không cất thì anh Ba, anh Tư ghé nhà mình chơi sẽ lấy hết của con... Cất mau lên đi nào, con không làm nhanh thì mấy anh sẽ làm hư hết của con đấy... Chiếc xe mẹ mới mua cho gần trăm ngàn đấy, còn mấy quả bóng kia là của ba cho đấy... Giấu đi, đem nhét vào tủ nhanh lên...”.
Bé Duy cứ lật đật chạy tới chạy lui thu gom mấy đồ chơi còn tung tóe trên sàn nhà. Vừa thở, bé vừa hớt hải hỏi mẹ: “Mẹ ơi, xong hết chưa, còn gì nữa không...”. Mẹ Oanh hét lớn một lần nữa: “Kia kìa, còn mấy thứ đằng góc giường nữa... Sao chậm thế... Các anh lấy hết cho đáng đời bây giờ...”.
Cuộc tranh đấu vẫn còn tiếp diễn cho đến tận lúc anh Ba, anh Tư (anh họ của Duy) về đến. Không những thế, khi cô của Duy định mượn cái này, cái khác cho hai anh chơi thì Duy rất thành thật bảo: “Mẹ không cho, giấu hết rồi, mẹ nói đưa cho hai anh chơi sẽ hư hết”.
Giữ của không có nghĩa là “ki bo” mà là biết giữ gìn trong những trường hợp khác nhau (Ảnh minh họa).
Đó không chỉ là chuyện của mẹ Oanh, bé Duy mà thỉnh thoảng, những câu chuyện tương tự đã xảy ra ở một vài gia đình. Cha mẹ thường cảm thấy rất tự hào khi con mình biết giữ gìn đồ chơi mà không cho bất kỳ bạn bè hay anh chị nào mượn. Không chỉ im lặng chấp nhận mà cha mẹ còn vuốt đầu khen ngợi: “Lớn lên, chẳng ai lừa được con đâu!”.
Nhiều cha mẹ còn cảm thấy sung sướng khi một người khách đến nhà để mượn bất kỳ đồ dùng hay đem theo vật dụng nào đó thì bé giữ hoặc đòi lại. Sự tự hào và sung sướng ấy không chỉ dừng ở thái độ mà còn ở cả hành vi. Thậm chí, có cha mẹ còn tung hô: “Giỏi ơi là giỏi...”. Chính những cách làm này đã làm cho bé tự tin về thái độ và hành động của mình, dần dần, tính ích kỷ sẽ trở thành “người bạn đường” của bé, ngay cả với những người thân và cha mẹ cũng không ngoại lệ.
Hãy tưởng tượng rằng bé luôn “bo bo” cho mình, không thể cùng bạn bè nói chuyện, giao lưu, không dám chơi cùng bạn thì làm sao bé có thể hợp tác với bạn bè? Chính lúc này, bé sẽ cảm thấy cô độc, cảm thấy mình bị bỏ rơi và thiếu những kỹ năng cơ bản trong sự hợp tác hay hoạt động nhóm với mọi người...
Dạy con biết giữ gìn tài sản của mình, biết tiết kiệm, biết trân trọng giá trị của lao động là cần thiết nhưng dạy thế nào lại là một nghệ thuật. Giúp bé biết trân trọng những gì mình có, biết bảo vệ những đồ dùng – đồ chơi của mình cũng như những vật dụng mình có là cần thiết nhưng không nên đẩy bé lên đến mức “ích kỷ”. Giữ của không có nghĩa là “ki bo” mà là biết giữ gìn trong những trường hợp khác nhau. Hiểu được điều này, chắc chắn bạn sẽ biết động viên và điều chỉnh để bé phát triển toàn diện nhân cách của mình.
PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường ĐHSP TP.HCM