Nhận biết các phần đường dành cho xe cộ và người đi bộ
Thông qua các tranh ảnh, các câu hỏi đố vui và trò chơi..., cha mẹ cần cho bé làm quen với khái niệm “giao thông’’ ngay từ nhỏ, ví dụ như hướng dẫn cho bé đâu là vỉa hè dành cho người đi bộ, đâu là phần đường dành cho người đi xe ô tô, xe máy, xe đạp; hay bé phải nhớ luôn đi bên phải đường, đi trên vỉa hè và phải quan sát kỹ... Bài học cho bé phải luôn vui vẻ, sinh động, dí dỏm và đặc biệt là "học phải đi đôi với hành".
Đi bộ an toàn
Khi đi trên vỉa hè, bé phải cẩn thận quan sát để không vấp hoặc ngã vì gạch đá lổn nhổn, bồn cây lớn, hàng quán hoặc không đụng vào ống pô xe máy..
Bé tuyệt đối không được chạy nhảy, đùa giỡn dưới lòng đường cũng như trên vỉa hè của các tuyến đường dành cho các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt là nơi có nhiều xe qua lại. Sự xuất hiện đột ngột của bé khiến cho những người điều khiển giao thông trên đường giật mình và không xử lý kịp. Như thế, không những bé gặp nguy hiểm mà người khác cũng bị vạ lây.
Ngoài ra, bé nhớ không đi giàn hàng ngang, vừa đi vừa nói chuyện, đùa nghịch. Khi bên đường có nhiều cây to, bé nhớ chú ý coi chừng cành cây khô rới xuống. Đặc biệt là khi trời mưa, bé tuyệt đối không núp dưới cây to để tránh sấm sét. Nhớ giữ vệ sinh chung, không vứt rác, thức ăn thừa, không khạc nhổ và tè bậy ra đường.
Đi bộ từ trong hẻm ra đường lớn
Nếu đi bộ từ trong hẻm ra, bé phải quan sát kỹ trước khi bước ra đường lớn, nhìn kỹ cả hai hướng. Không lao ra đường hoặc chạy vụt đột ngột vì ngõ, hẻm có nhiều nhà cửa, xe cộ chắn tầm nhìn nên người điều khiển xe không xử lý kịp khi cần. Qua ngã ba, ngã tư nhỏ cần phải xin đường, giơ tay xin hoặc đôi khi phải hô to “Cho cháu qua đường với”.
Quan trọng nhất, cha mẹ vẫn phải hướng dẫn bé trong những tình huống thực tế. Mỗi lần đưa bé đi ra ngoài đường, cha mẹ cần chỉ cho bé biết cách phải đi như thế nào cho đúng. Đặc biệt, cha mẹ phải là tấm gương tốt về việc tuân thủ an toàn giao thông để bé học tập.
Chuyên viên tâm lý Phạm Văn Huân