Bé Mi (5 tuổi) đang mải mê chơi với những con lật đật thì mẹ Nga bắt bé phải đi tắm. Chị vừa loay hoay tìm cách cởi quần áo của bé, vừa luôn miệng nói: “Ngoan nào, để mẹ tắm cho nhé!” nhưng Mi không chịu nghe theo mà ra sức chống lại và la lên: “Con không tắm đâu!”. Một lúc sau, Mi đột nhiên kháng cự quyết liệt, bé hét lên và lăn đùng ra mặt đất. Chị giận quá định đánh vào mông con.
Khi các bé vào mẫu giáo, cùng với việc có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè, nhu cầu được khẳng định bản thân của bé cũng manh nha hình thành. Do đó, cha mẹ nên nương theo ý muốn của bé để đạt được ý muốn của mình. Ở trường hợp chị Nga, có nhiều cách để dụ bé đi tắm. Mẹ Nga có thể để bé chơi 1 lúc rồi nhẹ nhàng nhắc nhở: “Lật đật chờ chị Mi 1 lát, chị Mi đi tắm nhanh rồi vào chơi với em nhé!” hoặc nếu muốn bé đi tắm ngay, chị có thể tỏ vẻ không quan tâm đến bé hoặc nói với bé điều ngược lại, như :“Vậy thôi, mẹ đi tắm rồi mẹ đi chơi đây, con không tắm thì ở nhà chơi với lật đật nhé!”.
Bé Hoàng (4 tuổi) rất thích đạp xe dạo chơi trong sân nhà, dù rằng bé chạy có vẻ khó khăn nhưng tuyệt đối không chịu để cho ai đẩy giúp. Gặp những chỗ có chướng ngại vật, bé không chịu cầu cứu mà cố gắng ra sức đạp, khi không đi được, Hoàng khóc và bỏ xe, chạy vào nhà. Mẹ nhìn thấy, ra giúp bé dựng xe lên và đẩy xe phụ với bé. Nhưng chỉ sau đó vài phút, Hoàng nhất mực đòi tự đạp xe. Mẹ bực quá, mắng: “Con chơi một mình có ngày té gãy chân”. Cậu bé lặng im và miễn cưỡng ngồi yên để mẹ đẩy.
Ở trường hợp này, bé Hoàng không phải là một đứa bé bướng bỉnh. Đó chỉ là những phản ứng thể hiện sự chủ động của bé trong quá trình thích ứng và phát triển. Tuổi lên 4, các bé bắt đầu có khả năng điều khiển cảm xúc và hành vi của mình, do vậy, cái gì cũng muốn khám phá, điều gì cũng muốn quan sát và thích một mình giữa… chợ trời đồ chơi. Cha mẹ không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động vui chơi của bé mà chỉ nên quan sát và định hướng, để tránh cho bé gặp những rủi ro không đáng có trong các hoạt động thường ngày.
Cha mẹ nên hỗ trợ bé bằng cách dõi theo và cỗ vũ để tăng thêm sự hào hứng trong bé. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cùng chơi với bé để vừa kịp thời can thiệp các trường hợp nguy hiểm, vừa động viên bé thể hiện ý muốn của mình. Khi bé thể hiện được sự chủ động trong suy nghĩ và hành động, bé sẽ ý thức về bản thân rõ ràng hơn, điều khiển hành vi của mình chủ động hơn. Nhờ đó, bé sẽ thực hiện các hành động có chủ tâm hơn, chẳng hạn bé chủ động nghe cô giảng bài, chủ động nhớ một vấn đề nào đó, chủ động suy nghĩ một việc gì đó…
Các bé mẫu giáo luôn cần sự hỗ trợ tích cực của người lớn nhưng cũng cần được hướng dẫn để thể hiện sự độc lập và chủ động. Điều đó không có nghĩa là tách biệt bé hoàn toàn với người lớn mà người thân hãy cùng chơi, cùng hưởng ứng hoạt động của bé, giúp bé từ từ nhận biết các giá trị của mình và tự tin phát triển.
TS Tâm lý Đinh Phương Duy
Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM