Tham gia các khóa học ngoại khóa phù hợp với nhu cầu và niềm đam mê của bé: Vẽ, múa, ca nhạc, võ thuật.... Khi bé được hòa mình vào hứng thú của bản thân, sự sợ sệt được giảm tải một cách đáng kể. Bên cạnh đó, sự nhẹ nhàng về áp lực học tập giúp bé có tâm thế thoải mái khi cùng học, cùng chơi với bạn. Sự gặp gỡ niềm đam mê giữa bé và các bạn sẽ giúp bé dễ dàng trao đổi, nói chuyện, từ đó, đám đông không còn là nỗi lo. Chính lớp học ngoại khóa là môi trường để bé mở rộng mối quan hệ của mình, được lắng nghe khi chia sẻ những tâm tư, tình cảm với những người bạn có chung sở thích.
Xây dựng thói quen trò chuyện với bé hằng ngày. Chính việc thường xuyên hỏi ý kiến bé, lắng nghe bé nhận định, bày tỏ cảm xúc sẽ giúp bé rèn luyện khả năng diễn đạt đúng, rõ ràng và gãy gọn những điều bé muốn nói. Từ đây, ngôn ngữ của bé có cơ hội được hoàn thiện để hiểu đúng những lời giảng của giáo viên trên lớp, giao tiếp mạch lạc trong các bối cảnh khác trong sinh hoạt hằng ngày. Năng lực ngôn ngữ tốt sẽ giúp bé tự tin hơn trước đám đông, dám giao tiếp, bắt chuyện và nêu ra chính kiến của mình về các vấn đề trong cuộc sống.
Chủ động dùng lời khen phù hợp cho bé khi bé đạt được thành tích đáng ghi nhận hoặc khi bé làm việc tốt. Chính việc được thừa nhận sẽ khiến bé tự tin, mạnh dạn hơn để thể hiện bản thân mình, “ghi điểm” trong mắt người lớn.
Nhẫn nại chia sẻ cùng bé khi thấy bé rụt rè, xấu hổ trước đám đông thay vì quát nạt hay bày tỏ sự chê bai, thất vọng. Đặt những câu hỏi ngắn, dễ trả lời để bé có cơ hội chia sẻ những khó khăn tâm lý mà mình đang mắc phải. Giúp bé từng bước làm quen với đám đông bằng những yêu cầu vừa sức. Để bé hiểu ra giá trị của bản thân, hình thành sự tự tin không phải một sớm một chiều. Bé phải nỗ lực rất nhiều và đấu tranh với chính mình, vì thế đừng đẩy bé vào tình thế phải đối diện với cả những phàn nàn của bố mẹ. Quan sát, theo dõi để nhận ra từng chuyển biến tâm lý của bé khi tiếp xúc với mọi người xung quanh và cho bé thấy cha mẹ luôn là người bạn đồng hành với bé, giúp bé trở nên dạn dĩ.
Ở lứa tuổi tiểu học, nhu cầu nhận thức của bé phát triển rõ nét, đặc biệt là nhu cầu tìm hiểu thế giới xung quanh. Nên dành thời gian rảnh vào cuối tuần, gia đình tổ chức cho bé những chuyến đi tham quan Thảo cầm viên, về vùng quê cho bé khám phá cuộc sống, gần gũi với những sự vật, hiện tượng thật trong thế giới khách quan để giúp bé so sánh đối chiếu với trí tưởng tượng của bé qua các bài học trong sách vở. Từ đó, xây dựng cho bé vốn hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh, tạo điều kiện cho bé hòa nhập và tự tin hơn trong các cuộc giao tiếp hằng ngày hoặc môi trường xa lạ.
Các cuộc thi mang tính chất đồng đội luôn là sự trải nghiệm rất tốt để bé tự tin kết nối cùng người khác. Hãy mạnh dạn cho bé tham gia với bạn cùng lớp những cuộc thi do trường hoặc các đơn vị ngoài nhà trường tổ chức. Tuy nhiên, cần giúp bé hiểu rằng: giá trị của cuộc thi là sự trưởng thành, kinh nghiệm mà bé có được chứ không phải duy nhất là giải thưởng. Giúp bé đối diện với những thất bại trong các cuộc thi cũng là một cách để bé hình thành sự tự tin.
Hãy tạo điều kiện cho bé thể hiện sự tin trước đám đông, khẳng định bản thân bằng những hành động vô cùng đơn giản: bé được phép gọi món ăn khi cả nhà đi ăn ngoài, cho bé được chọn một bộ phim hay vở kịch bé yêu thích, khi gặp bất kì vấn đề gì từ môi trường xung quanh ngay tại thời điểm đó, ta hỏi bé “con cảm thấy điều đó như thế nào?”, ...
Không cha mẹ nào muốn con mình nhút nhát, nhưng để con hoạt bát, tự tin chốn đông người, cha mẹ cần đồng hành cùng bé, nhẫn nại và dám trao quyền để bé tự mình giải quyết những vấn đề vừa sức.
ThS.Tô Nhi A
Giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM