IQ – trí thông minh
Có thể hiểu ngắn gọn, IQ là năng lực nhận thức vấn đề của mỗi cá nhân. Chỉ số trí thông minh có thể đo lường được thông qua các trắc nghiệm về trí thông minh. Đây là yếu tố rất quan trọng để một người có thể thành công trong cuộc sống. Chỉ số IQ thường được cho là có liên quan đến sự thành công trong học tập, trong công việc, trong xã hội. Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có sự liên quan giữa IQ và sức khỏe, tuổi thọ và cả số lượng từ mà người đó sử dụng.
CQ – trí tuệ sáng tạo
Đây là một thành phần cấu trúc quan trọng của trí tuệ bên cạnh trí thông minh và có thứ bậc cao hơn trí thông minh. Trí tuệ sáng tạo thể hiện năng lực sáng tạo của con người. Bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào cũng không chỉ dựa vào những cái có sẵn mà phải phát triển nó lên. Tuy nhiên, cách phát triển ấy ở mỗi người một khác, có thể là sự tiệm tiến nhưng cũng có thể là những bước đột phá, những bước nhảy vọt. Khi đó, sự sáng tạo được thể hiện. Chính sự sáng tạo mới phân biệt giữa người này với người khác và chính nó là cốt lõi của trí thông minh. Xét cho cùng, chính trí thông minh sáng tạo mới làm nên lịch sử khoa học kỹ thuật và công nghệ, mới xây dựng được một kho tàng văn hóa nghệ thuật khổng lồ, mới thúc đẩy sự tiến hóa của nhân loại.
EQ – trí tuệ cảm xúc
Là năng lực nhận biết, vận hành các xúc cảm của mình, của người khác và các thành tố cần chú ý ở đây là: tự biết mình, tự quản, nhận biết các quan hệ xã hội và quản lý kiểm soát các quan hệ xã hội. “Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn".
SQ – trí tuệ xã hội
Là năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác. Năng lực đó được dựa trên sự nhận thức và sự thể hiện những cảm xúc, thái độ trong những hoàn cảnh nhất định.
Biểu hiện đầu tiên của trí tuệ xã hội là khả năng nhận thức về người khác. Sự đồng cảm giúp cho chúng ta cảm thông chia sẻ với những người mà chúng ta tương tác. Từ đó, giúp ta thiết lập mối quan hệ một cách dễ dàng hơn.
Tiếp theo là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ xã hội. Trí tuệ xã hội được hiểu là năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác. Muốn vậy, trước tiên, người đó phải thiết lập được mối quan hệ và duy trì mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm, tổ chức đó.
Biểu hiện thứ ba của trí tuệ xã hội là khả năng tự nhận thức bản thân. Một người được xác định là có trí tuệ xã hội sẽ thể hiện thông qua khả năng tự nhận thức bản thân cá nhân, nhận biết được cảm xúc của bản thân và các ảnh hưởng của chúng, biết được điểm mạnh và các giới hạn của bản thân, có một hiểu biết rõ ràng về khả năng và giá trị của bản thân. Từ đó, người ấy sẽ biết cách thể hiện bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh, với vị trí, vai trò của mình trong khi tương tác với các cá nhân khác để đạt được hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ.
Cuối cùng trí tuệ xã hội biểu hiện ở khả năng tự điều chỉnh, thay đổi. Đây chính là khả năng quản lý tốt trạng thái bên trong, các nguồn lực và sự bốc đồng của bản thân. Nhờ khả năng tự điều chỉnh này mà chúng ta mới thiết lập và duy trì bền vững các mối quan hệ xã hội và thành công trong việc tương tác với các cá nhân khác để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi người trong cuộc sống.
Như vậy, trí thông minh, trí tuệ cảm xúc hay trí tuệ xã hội đều có vai trò nhất định đối với sự thành công của mỗi người. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần xác định rõ và có phương pháp đầu tư thông minh để bé yêu của mình phát triển trí tuệ tốt nhất. Lẽ đương nhiên, sự đầu tư nhằm phát triển trí tuệ xã hội cho con em mình – SQ là một sự đầu tư có điểm đến vì đấy mới là nền tảng thực sự dẫn tới sự thành công của một con người, một tổ chức.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Trưởng bộ môn Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM