Buổi tối đầu hè trời nóng nực, ba chở 2 mẹ con đi đón gió hóng mát. Đường phố đông đúc mà con thì cứ nghịch ngợm luôn tay luôn chân trên xe khiến tay lái của ba mấy lần lảo đảo, suýt ngã. Bực quá, ba phải dừng xe lại ở một góc bên lề đường để “uốn nắn” con.
Vừa lúc đó, một xe thu gom rác trong phố đi qua, bác lao công lúi húi dọn nốt những chiếc lá vàng vừa rải xuống lòng đường. Ba nhìn con nghiêm khắc “Cún không được quậy phá nữa nghe, không vâng lời ba mẹ học hành đến nơi đến chốn sau này chỉ có làm công nhân quét rác”. Ba sẵng giọng rồi chỉ về phía xe rác cồng kềnh nơi bác công nhân đang gắng sức đẩy về phía trước. Mẹ hơi bất ngờ về cách dạy con của ba, nhưng góp ý giữa đường giữa chợ thế này không tiện nên đành “để dành” về nhà. Không biết bác lao công có nghe được câu chuyện của hai ba con không, nếu có chắc bác chạnh lòng lắm.
Trở về nhà khi đêm đã khuya nên ba và con ngủ vùi một mạch tới sáng. Vì ngày nghỉ cuối tuần nên hơn 8 giờ hai ba con mới trở dậy. Cũng muộn rồi nên cả nhà mình không ghé qua cửa hàng ăn sáng như mọi khi nữa. Thấy có chú bán bánh mỳ dạo đi ngang qua nhà, mẹ gọi vào mua tạm vài chiếc làm món bánh mỳ kẹp trứng mà hai ba con vẫn thích. Lúc đó, hai ba con cũng vừa vệ sinh răng miệng xong. Con chạy lại khóc nằng nặc, đòi mẹ đưa đi ăn phở. Biết không thể chiều cái tính “mè nheo” của con, ba quát “Cún mà hư là ba sẽ sắm cho một cái thùng xốp với cái xe đạp mà đi bán bánh mỳ đó”. Con mếu máo lấm lét nhìn theo bóng chú bán bánh mỳ khuất dần sau cổng, mơ hồ lo lắng, sợ sệt, mặc dù có lẽ, con chẳng hiểu vì sao nghề bán bánh mỳ dạo lại bị ba “xếp vào hàng” đáng sợ như vậy.
Chứng kiến toàn bộ câu chuyện, mẹ biết là ba chỉ mắng để con đỡ nghịch và chăm ngoan, vâng lời ba mẹ hơn chứ không có hàm ý sâu xa gì. Nhưng cách dạy con của ba sẽ vô tình hình thành trong con suy nghĩ sai lệch về những người lao động bình thường… Nhất là trong thời điểm con đang phát triển hình thành nhân cách này. Có lẽ mẹ sẽ dành một buổi tối để kể cho con nghe những câu chuyện vui buồn xung quanh cuộc sống của những con người lao động bình dị ấy, để con hiểu rằng dù là bác lao công vệ sinh môi trường hay chú bán bánh mỳ dạo, hay bác xe ôm… nghề nào cũng cao quý, cũng đáng trân trọng. Tuy mỗi công việc có một đặc thù riêng nhưng họ đều là những con người lao động chân chính, dùng chính đôi tay và sức lực của mình để kiếm tiền, nuôi sống bản thân và gia đình. Biết bao nhiêu đứa trẻ đã lớn lên, học hành giỏi giang và bước vào đời, thành tài từ những giọt mồ hôi đáng quý đó. Và họ xứng đáng được tự hào về bản thân mình, cũng như xứng đáng được mọi người trân trọng... Nhất định sau bữa ăn sáng nay, mẹ sẽ trao đổi với ba và con về vấn đề này.
Ngô Thị Hương Quế