Nhận ra được những năng khiếu bẩm sinh của bé, cha mẹ nên nuôi dưỡng, tạo điều kiện để bé phát huy những năng khiếu ấy thành những tài năng thực thụ.
- Trân trọng, quý mến sức tưởng tượng và sáng tạo non nớt của bé, làm nền tảng cho bé đi vào thời kỳ vẽ tượng trưng; khơi gợi lòng ham mê và sự thích thú về hội hoạ cho bé. Không buộc bé vẽ, nặn, cắt, dán theo khuôn mẫu mà trước hết để bé vẽ, nặn tự do…
- Bảo vệ sức sáng tạo cho bé, cho phép bé tự do thăm dò, tìm hiểu thế giới xung quanh, từ đó, bé sẽ có được trí nhớ và sức mạnh. Việc thích vẽ tranh hay dùng màu sắc và sáng tạo để thể hiện cái đẹp, đa dạng tự nhiên, cũng sẽ giúp bé thể nghiệm được những tình cảm tích cực và vui sướng, hình thành tính cách tốt.
- Tạo điều kiện cho bé học vẽ với các môn học khác để bé có thể phát triển trí lực thật tốt. Tuy nhiên, nên cho bé theo những lớp học vẽ của những người có chuyên môn, nghiệp vụ cao để phát triển những mầm móng hội họa của bé.
- Xây dựng môi trường thẩm mỹ cho bé. Nhà cửa gọn gàng, màu sắc hài hoà, các đồ dùng sạch sẽ, cách bày trí giàu tính thẩm mỹ của cha mẹ cũng góp phần nuôi dưỡng tình cảm thẩm mỹ cho con cái.
- Tạo cho bé môi trường sống lành mạnh, cha mẹ yêu thương, cách cư xử đẹp trong hành vi, lời nói trong gia đình góp phần nuôi dưỡng tình cảm thẩm mỹ, hình thành xúc cảm thẩm mỹ khi tiếp xúc với cái đẹp trong nghệ thuật cho bé.
- Dạy bé biết yêu cái đẹp, thích làm ra các đẹp, thích mình trở nên đẹp. Điều này sẽ giúp bé bộc lộ năng khiếu và hình thành thị hiếu lành mạnh sau này.
- Thường xuyên đưa bé đi chơi công viên, bãi biển, cánh đồng quê, xem các triển lãm nghệ thuật, thăm viếng bảo tàng, các công trình kiến trúc… Cha mẹ cần nói chuyện với bé những gì đã thấy, giải thích cho bé nghe tại sao… bé sẽ vừa ghi nhớ hình ảnh vừa ghi nhớ lời, khi bé vẽ lại rất sinh động.
- Chuẩn bị đầy đủ cho bé các loại họa phẩm: Giấy, bút chì, màu sáp, màu nước, bút lông...
TS Tâm lý học Trần Thị Quốc Minh
Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 3