Con không muốn bị so sánh đâu!
Những so sánh thường xuyên ấy càng khiến bạn “cụt hứng” vì luôn mang sẵn trong mình tư tưởng “con người khác hơn hẳn con mình”. Điều này sẽ thực sự trở thành một “vấn đề” khi một ngày nào đó, con bạn có thể lờ mờ cảm nhận được những “so sánh ngầm” từ phía cha mẹ.
Bé nào cũng mong muốn được cha mẹ “đánh giá cao” và chúng đã có thể nhận thức được điều đó từ sinh nhật lần đầu tiên của mình. Và khi luôn bị so sánh, đánh giá với “trình độ” của các bạn, bé sẽ trở nên tự ti, thu mình và ngày càng khép kín.
Ảnh: myositis.
Bên cạnh đó, bé còn cảm nhận được những “áp lực” khi bị gây sức ép hoặc được kỳ vọng quá nhiều. Sợ bị chê trách, bé luôn cố gắng bằng mọi giá để chiến thắng được các “đối thủ” trong các trò hoặc cả những hoạt động bình thường khác. Nhưng khi càng bị áp lực, bé càng đuối sức và rất khó để vượt qua các bạn của mình.
Không phải do bé, đó là lỗi của người lớn khi cố tình lôi kéo con vào những cuộc ganh đua ngầm mà không lường trước được hậu quả có thể xảy ra. Càng ngày, mối quan hệ của bé với cha mẹ, với những người bạn mà chúng thường bị đem ra so sánh sẽ xấu dần đi. Bé sẽ ghét các bạn, ghét cả cha mẹ và trở nên cáu kỉnh, khó chịu với những người quanh mình.
….Nhưng so sánh cũng là một kỹ năng
Tuy nhiên, nếu biết so sánh một cách khôn khéo và nhất là không để bé rơi vào cảm giác bị tổn thương, sự so sánh ấy lại chính là động lực để bạn khuyến khích bé cố gắng và vượt lên mọi thử thách.
Thêm nữa, những so sánh giữa bé này với bé khác có thể giúp bạn phân biệt và nhận ra được những khả năng khác nhau của từng bé và hiểu được rằng, không phải bé nào cũng giống nhau, sự hơn kém có mức độ trong các hoạt động hằng ngày của bé là điều hết sức bình thường và không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để hạn chế so sánh con bạn với những bé ngang tuổi khác là hãy khuyến khích chúng được là chính mình, sống đúng với bản thân và là một cá nhân riêng biệt, độc lập. Mặc dù bạn rất muốn bé thông minh, giỏi giang, nhanh nhẹn như những bé khác, nhưng bạn không thể ép bé trở thành bản sao của những người bạn đang sống quanh bé.
Mỗi bé có những ưu điểm và nhược điểm riêng, việc tìm ra được ưu điểm của bé cần có sự kiên nhẫn từ phía gia đình chứ không phải là sự nóng vội, phớt lờ, để rồi quên mất những mặt tích cực mà bé đang có.
Đừng bắt bé trở thành những “hình ảnh” mà bạn đang mong đợi, hãy học cách chấp nhận “điểm yếu” của con và khuyến khích chúng phát huy những thế mạnh của mình. Qua đó, bé sẽ có thêm sự tự tin và mạnh mẽ.
Phương Linh