Có gia đình coi vật chất là cái đích để bé hướng tới. Vì vậy, họ yêu cầu bé nếu được phiếu bé ngoan sẽ được thưởng 10.000 đồng hoặc mang về một điểm 10 sẽ được thưởng 20.000 đồng… Họ đâu biết rằng vì muốn được thưởng, bé có thể sinh ra gian dối: nhờ bạn viết điểm 10 vào vở của mình, cho bạn cục tẩy đẹp để bạn cho chép bài... Ngược lại, nếu điểm kém sẽ bị phạt bằng cách không cho tiền ăn sáng hoặc không cho đi chơi… Họ đâu biết làm như vậy sẽ khiến bé sinh ra những cảm xúc tủi hờn, oán trách khi bị nhận những hình phạt ấy?
Ảnh minh họa.
Cũng có gia đình coi “vật chất là thành quả lao động mà bé nghiễm nhiên được hưởng”. Vì vậy, họ luôn có những giải thưởng bằng vật chất cho bé, nhiều khi đến mức vô lý: dậy sớm - cho tiền, ăn được hai bát cơm - cho tiền, đi học đều - cho tiền…
Thế nhưng, có nhiều bé ở những gia đình nghèo không được thưởng 20.000 đồng vẫn luôn có điểm 10; không có điều kiện “đỗ đại học được thưởng xe máy” vẫn đỗ thủ khoa. Nếu cha mẹ luôn đưa điều kiện “làm cái này sẽ được thưởng cái kia” thì vô hình trung sẽ tạo cho bé có thói quen xấu là làm việc gì cũng nghĩ đến giá trị vật chất sẽ nhận được, nếu không có vật chất sẽ không làm hoặc làm đối phó. Đó là nguyên nhân tạo ra những con người vô cảm, không biết yêu thương, coi thường đạo lý.
Tuy nhiên, việc dùng vật chất để thưởng hay phạt vẫn có mặt tích cực: đem đến cho con người sự phấn chấn, vui vẻ. Do vậy, để phát huy được mặt tốt ấy, cha mẹ cũng nên dùng vật chất để thưởng cho bé nhưng phải dưới hình thức hiện vật (sách, vở, đồ chơi...) và không được sử dụng một cách thường xuyên. Đồng thời, cha mẹ phải giúp bé hiểu được phần thưởng này là do sự cố gắng của bé nhưng cũng còn phụ thuộc vào điều kiện của gia đình. Chẳng hạn có thể nói: “Con đạt học sinh giỏi, bố mẹ rất vui, con thích may quần áo, thích mua cặp mới hay thích mua đồ chơi? Bố mẹ chỉ có khả năng mua một trong ba món quà ấy thôi…”.
Lê Minh Nguyệt
Trường CĐSP Nhà trẻ - Mẫu giáo TW1