Phong tục “lì xì” (ở miền Bắc gọi là mừng tuổi) cho trẻ em trong những ngày đầu xuân năm mới đã có từ rất lâu rồi. Những chiếc phong bao màu đỏ rực rỡ là món quà nhỏ, là lộc đầu xuân mà mọi người dành cho các bé, mang theo bao lời chúc, mong muốn bé ngoan ngoãn, học giỏi và mau lớn.
Tết năm ngoái, anh chị em đồng nghiệp chúng tôi rủ nhau đến chúc Tết nhà cô bạn cùng phòng và đã được một phen… dở khóc dở cười. Số là đi chúc Tết, nên chắc hẳn ai ai cũng đã chuẩn bị sẵn trong túi những chiếc bao lì xì để nếu gặp những em nhỏ là lì xì. Nhưng mỗi người có suy nghĩ và điều kiện khác nhau, nên có lẽ “cái ruột” trong các bao li xì cũng khác nhau. Khi đến nhà cô bạn đó, gặp đúng lúc cả đại gia đình nhà cô ấy tụ tập ăn uống đầu xuân, lại có cả mấy gia đình nhỏ, bạn bè của chồng cô ấy nữa. Thế là, những chiếc bao lì xì được đưa ra kèm những lời chúc. Tuyệt nhiên không nghe thấy lời cảm ơn, mà chỉ có tiếng “xoẹt xoẹt” xé mở, tiếng tranh giành nhau chí chóe, và có cả tiếng một cậu bé khóc toáng lên vì tiền trong bao của mình không lớn như bao của anh chị khác… Chúng tôi nhìn nhau, chỉ biết thở dài.
Hàng xóm nhà tôi có một cậu con trai 9 tuổi. Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết, nhận được lì xì, cậu bé rất vui. Nhưng cậu không lấy tiền đi mua kẹo hay đồ chơi như các bạn mà nhờ mẹ giữ, sau đó sẽ trao đổi với mẹ về những thứ cậu bé định chi tiêu. Cậu cùng mẹ bàn bạc để mua những vật dụng cần thiết trong việc học tập, hay cuốn truyện mà cậu đang ao ước. Có lần, đi học về, nhìn thấy mấy bạn nhỏ phải đi bán tăm, kẹo cao su, đánh giày…, cậu đã nói với mẹ trích một ít tiền lì xì của mình để giúp các bạn có một bữa tối ấm bụng.
Bé ơi, qua hai câu chuyện trên, bé suy nghĩ gì? Hãy trân trọng những phong bao lì xì đó như một món quà ý nghĩa, một sự may mắn cho năm mới mà người khác trao cho bé nhé! Số tiền trong bao chỉ là hình thức ước lệ, chứ không thể đánh giá được giá trị tấm lòng của người trao gửi đâu!
Những bé còn nhỏ tuổi, chưa nhận thức được giá trị của đồng tiền, khi được lì xì kèm những lời chúc, bé nên cảm ơn kèm lời chúc may mắn đến người lì xì, đồng thời nhờ cha hoặc mẹ giữ giùm, tránh để rơi mất, sẽ phụ tấm lòng của người lì xì.
Các bé lớn hơn, khi đã hiểu chuyện, cũng biết được ý nghĩa của việc lì xì do được ông bà, cha mẹ dạy dỗ, bé cần có thái độ trân trọng người lì xì và những bao lì xì. Có thể bé sẽ giữ những bao lì xì đó lại, hoặc cho vào “lợn đất”, để dành mua sách vở, đồ dùng học tập hoặc giúp đỡ những bạn nhỏ còn khó khăn. Sử dụng đúng cách và làm những việc có ý nghĩa với những món quà năm mới này, chắc hẳn bé sẽ vui lắm!
Hãy để những chiếc bao lì xì làm đúng "bổn phận" của nó, các bé nhé! Như vậy, các bé cũng sẽ trở thành những em bé ngoan đấy!
Minh Ngọc