Ở chung, ăn chung
Đúng là ở đời không nói trước được điều gì. Trước đây, khi chưa lấy chồng, thấy chị gái mình ăn riêng với bố mẹ chồng, tôi không hài lòng chút nào. Vì ông bà có hai người con, chồng chị tôi là con út nên việc ăn chung với bố mẹ cũng là việc nên làm. Nhưng sau này tôi mới biết, mẹ chồng chị rất khó tính, thậm chí là vô cùng kĩ tính trong việc ăn uống.
Con dâu vất vả cơm nước cho mẹ chồng ngày 3 bữa nhưng hễ động đến món nào là mẹ chồng chị tôi cũng chê. Nghe chị kể, tôi mới thấu hiểu nỗi lòng của chị. Dù là người dễ tính bằng mấy cũng phải tự ái. Việc cơm nước đã mệt rồi lại thêm người chỉ việc ăn mà chê bẻ, chê bai thì ai chịu được. Cộng thêm nhiều xung đột khác nữa trong đời sống hằng ngày, thế là vợ chồng chị tôi ra ăn riêng dù rằng cả hai người vẫn sống chung với bố mẹ chồng. May mà nhà chị tôi có cái nhà dưới nên cơm nước vợ chồng ăn ở đó, bố mẹ ăn ở nhà trên. Ai nhìn vào cũng sẽ nói này nói nọ nhưng chị tôi đã không thể chịu được nữa nên đành lòng làm vậy và có lẽ, mẹ chồng chị cũng mong muốn như thế.
Cùng chung sống dưới một mái nhà, nhưng cứ đến cuối giờ chiều, là bếp của mẹ chồng, bếp của con dâu lại cùng đỏ lửa. (Ảnh minh họa)
Đến khi đi lấy chồng, tôi càng thấu hiểu thêm cảnh ăn chung phức tạp thế nào. Ở chung thì đã nhiều chuyện rồi nhưng ăn chung thì còn sinh lắm chuyện hơn. Tính mẹ chồng tôi vốn tiết kiệm nên chi tiêu rất ít, dù là việc mua bán thức ăn. Mỗi lần mua thức ăn sang trọng một chút hoặc hơi nhiều một chút là mẹ chồng tôi lại tỏ vẻ khó chịu. Thì tôi nào đâu có hoang phí gì, chỉ là mong muốn bố mẹ ăn cho thoải mái, lại nghĩ mua ít thì thiếu, bố mẹ chồng thấy vậy lại nghĩ rằng tôi tiếc ông bà. Làm con dâu thật là khổ, làm gì cũng không được lòng. Vả lại, thừa thì có thể để tủ lạnh cất đến hôm sau chế biến món khác. Có phải ăn không hết là đổ đi đâu mà lúc nào mẹ chồng tôi cũng ca thán. Có thừa chút rau mẹ cũng khó chịu chứ đừng nói là thịt thà, cá mú.
Tôi cũng vì thế mà đề nghị chồng ăn riêng. Mẹ chồng tôi cũng đồng ý luôn vì vốn không muốn tôi hoang phí. Lúc đầu, tôi thấy cũng nhẹ lòng hơn bởi chỉ có vợ chồng và đứa con ăn gì cũng được. Đi làm về là vào chợ mua nhanh mấy món. Hôm thì rau, hôm thì cá không phải cầu kì vài món như khi có bố mẹ chồng. Đã làm hết sức mình mà không được lòng các cụ nên chọn giải pháp ăn riêng là tốt nhất, ít ra cũng giữ được hòa khí.
Ở chung, ăn riêng
Thế nhưng, cũng chính từ đây, lắm chuyện lục đục mới xảy ra.
Căn bếp không rộng, chỉ đặt được một chiếc bếp ga, xoong, nồi tôi vẫn dùng chung với nhà chồng. Thế là phải chia ca, mẹ chồng nấu ăn vào lúc 5 giờ chiều, tôi đi làm về nấu ăn lúc 6 giờ 30. Bố mẹ chồng cùng cô em chồng ăn cơm lúc 7 giờ, hai vợ chồng tôi ăn cơm lúc 8 giờ.
Mẹ chồng tôi ở nhà nên nhận nấu cơm sớm, thế nhưng bữa ăn nào cụ cũng kêu ca rằng phải nấu sớm, thức ăn nguội, ăn không ngon. Tôi tuy ăn riêng nhưng có món ngon vẫn biếu hai cụ một đĩa, vẫn đóng 2 triệu hằng tháng để mẹ chồng chi trả tiền gas, điện nước. Nhưng cụ vẫn không hài lòng, thường xuyên nhằm lúc tôi nấu ăn mà than giá gas tăng, đun hai bếp tốn kém.
Khổ nhất là vào những ngày nghỉ, mua nhiều thực phẩm chút về nấu món cầu kỳ nhằm cải thiện cho con. Đem biếu bố mẹ chồng một đĩa, nhưng lần nào tôi cũng phải nghe những lời chê bai không biết tiết kiệm, không biết chi tiêu. Mệt nhất là ngày nào mẹ chồng tôi cũng kiểm tra tủ lạnh, bếp núc xem có sạch sẽ không? Hôm nào tôi nấu bếp mà mùi thức ăn bay ra là mẹ chồng lại cầm cái quạt giấy, quạt quạt rồi nói to “mùi khó chịu quá”. Mẹ chồng tôi cũng thường xuyên đi nói với hàng xóm là con dâu sướng, về nhà chồng, ra ăn riêng mà chẳng phải mua một cái bát, cái đũa nào...
Minh Hưng