Ở phòng tổng vụ của công ty T., vợ chồng anh Chinh được “bình chọn” là “cặp đôi hoàn hảo”. Lý do là ngoài vẻ phong độ, lịch lãm và sự thành đạt, anh còn là “chủ sở hữu” của một cô vợ “hoa khôi” thời sinh viên và cũng giỏi giang không kém. Trong bất kỳ buổi họp mặt nào, mọi người đều thấy vợ chồng anh tay trong tay tình tứ. Nhiều người chọc anh chị “già rồi mà cứ như vợ chồng son”.
Cách chị giữ chồng chỉ làm anh muốn bùng nổ... (Ảnh minh họa).
Vậy mà, có lần nhắc đến đề tài “cặp đôi hoàn hảo”, anh thở dài kể về sự thật đằng sau cái vẻ ngoài đẹp đẽ ấy. Trước đây vài năm, phát hiện anh gặp lại người yêu cũ, vợ anh đã làm ầm ĩ lên. Dù cuộc gặp ấy chỉ dừng lại ở mức họp mặt với nhóm bạn cũ nhưng vợ anh không tin. Chị đưa ra giải pháp để tiếp tục chung sống là bất cứ khi nào anh ra khỏi nhà, chị sẽ tháp tùng, dù đó là đối tác làm ăn. Bất cứ sự phản kháng nào ở anh đều bị quy chụp là “có tật giật mình”! Dĩ nhiên, cái làm anh sợ không phải là bị “lật tẩy” hay phát hiện điều gì gian dối mà là thể diện và uy tín bị giảm sút nghiêm trọng. Theo anh, ly dị vì lý do này thì không đáng vì chị làm vậy cũng vì yêu anh. Nhưng muốn chị thay đổi là điều bất khả kháng. Anh cho rằng cách chị giữ chồng chỉ làm anh muốn bùng nổ để thoát khỏi “cái đuôi” bỗng dưng xuất hiện ngoài ý muốn.
“Cái đuôi” của chị Anh – nhân viên kế toán công ty S. lại xuất hiện từ một tai nạn “trên trời rơi xuống”. Cách đây vài năm, một lần, lúc chị đang tắm, điện thoại của chị có tin nhắn. Thấy tin nhắn đến trong khi đã hết giờ làm việc, chồng chị tò mò mở ra xem. Lời lẽ yêu đương thắm thiết trong tin nhắn làm anh “sôi máu”. Anh gọi lại, nhưng oái oăm thay, bên kia không trả lời. Muốn giải thích rằng đó chỉ là tin nhắm nhầm địa chỉ, chị nhắn tin năn nỉ người kia lên tiếng dùm cũng không thấy hồi âm. Thế là anh tra khảo rồi cho là chị ngoại tình. Liên hệ với nhà mạng nhờ hỗ trợ không được, chị mệt mỏi chấp nhận những “hình phạt” của anh. Anh theo sát mỗi khi chị ra khỏi nhà. Chị ở lại làm trễ, chốc chốc anh lại gọi điện vào số máy bàn để kiểm tra. Mỗi khi công ty mở tiệc, chị phải dắt theo cả chồng con, nếu không đồng ý thì khỏi đi đâu cả. Chị bảo đưa chồng con theo cũng được, nhưng nhiều lúc bất tiện vì có những chuyện công việc của chị, anh chẳng hiểu gì, lại cứ “soi mói” mỗi khi chị trò chuyện cùng đồng nghiệp nam. Dần dần, chị hạn chế gặp gỡ để đỡ khó chịu.
Người ta thường viện lý do “vì yêu” để biện minh cho những hành động đôi khi thái quá của mình. Tuy nhiên, trở thành “cái đuôi” của ai đó lại khiến cả “cái đuôi” lẫn “khổ chủ” đều không vui, như vợ anh Chinh, có lần nghe các đồng nghiệp của chồng gọi mình là “nữ vệ sĩ” hay chồng chị Anh bị cho là “canh me vợ” quá kỹ. Bản thân những “cái đuôi” cũng nhận thấy sự thái quá của mình nhưng nếu không làm vậy, họ luôn thấy bất an, khó chịu. Có lẽ, họ tin rằng sự bám sát ấy sẽ giúp họ giữ được hạnh phúc. Trở thành “cái đuôi” của người khác đã phủ nhận những gì tốt đẹp mà “cái đuôi” muốn làm để bảo vệ hạnh phúc của mình, nhưng lại khẳng định sự thiếu tự tin về bản thân cũng như ở người bạn đời, làm giảm giá trị bản thân của chính họ. Hạnh phúc không thể tồn tại theo nghĩa tự nhiên với những cặp đôi mà vẻ ngoài “êm ấm” ấy là “sản phẩm” của sự giả tạo, miễn cưỡng, chịu đựng lẫn nhau.
Nếu ai đó định trở thành “cái đuôi” của người khác, hãy cân nhắc xem những cái “được” có đáng để đánh đổi với những cái “mất” đi không! Hơn nữa, những thứ không thuộc về mình, dẫu làm cách gì thì cũng hoài công mà thôi!
Lê Thị Ngọc Vi