Xắn tay áo, vặn vẹo sang phải sang trái kêu răng rắc rõ to, tôi “hiên ngang” bước vào nhà tắm và lao vào giặt mớ quần áo đáng ghét này mà lòng thầm nghĩ, giặt xong chắc mỏi tay lắm đây, 3 năm rồi có giặt cái nào đâu, chỉ phơi thôi.
Cầm chiếc áo sọc xanh nền trắng của chồng, lòng tôi lại dâng lên bao cảm xúc. Đây là chiếc áo tôi tặng anh ấy nhân ngày kỷ niệm một năm hai đứa “gạ gẫm” nhau, thế mà đã có lần vì sự trêu chọc vô ý của đồng nghiệp mà tôi và anh ấy sắp kéo ra toà ly hôn. Biết tính tôi hay ghen bóng ghen gió, anh bạn cùng phòng vẽ một đôi môi mọng lên giấy, mượn cô kế toán cây son đỏ chót tô lên, rồi như vô tình ấn vào sau lưng áo chồng tôi. Về nhà khi lấy áo đem giặt, nhìn thấy dấu son ấy, máu Hoạn Thư trong tôi sôi lên sùng sục. Tôi khóc, chì chiết, trách móc rồi đâm đơn ly hôn…. Mặc tôi “làm trời làm đất”, anh vẫn im lặng không một lời giải thích. Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy mảnh giấy anh nhắn “Tình yêu anh dành cho em sẽ không bao giờ thay đổi, vợ chồng mình phải tin nhau chứ em! Anh không bao giờ làm bẩn chiếc áo tình yêu của chúng ta đâu. Em cứ ghen mà không bao giờ hỏi rõ ngọn ngành, còn đòi ly dị nữa, đã bao lần rồi, em cứ làm thế làm anh cảm thấy tổn thương và tình cảm bị xúc phạm lắm. Đó chỉ là trò đùa của đồng nghiệp thôi. Vợ yêu à, anh yêu em lắm. Này, đừng mít ướt chứ, nhanh ra mở cửa lấy đồ ăn sáng, món bún bò mà em thích nhất đó”. Sự việc đó xảy ra đã 2 năm rồi mà giờ nghĩ lại, tình cảm dâng trào như mới hôm qua. Áp chiếc áo vào lòng, tôi nhắm mắt mơ màng, mỉm cười, nước xà phòng chảy xuống người, nhồn nhột.
Còn cái quần kaki này nữa, đã nhiều lần tôi lôi từ tủ quẳng ra bảo anh mặc đi làm mà không thèm để ý nét mặt của anh, nó nhăn nhúm đến tệ. Anh cũng không còn thời gian để là vài đường vì còn phải đưa con đến trường, tôi còn bận…trang điểm. Vậy mà anh không một lời phiền trách. Thôi từ nay, trước khi xem phim Hàn Quốc, tôi soạn quần áo ngày mai của cả gia đình ra ủi trước. Chắc đồng nghiệp trong công ty anh nghĩ tôi bê bối, hậu đậu lắm vì nhìn chồng là có thể biết khả năng đảm đang của vợ rồi, phải lấy lại điểm chứ!
Ôi, sao hôm nay tất của anh nó mỏng và còn có lỗ thủng thế này? Phải rồi, vì tiết kiệm tiền và nghĩ tất nằm trong giầy nên không ai thấy, cần chi mua loại tốt. Đúng là tiền nào của đó. Ơ nhưng, anh mang tất thủng lỗ đi làm ư, lại thủng ở phần trên ống nữa chứ. Tội nghiệp chồng tôi, tiết kiệm không phải lối rồi!
Còn đây là chiếc áo đầm hồng phấn đã từng khiến tôi mất ăn mất ngủ vài ngày và cũng khiến vợ chồng hục hặc nhau mấy đêm liền. Áo đẹp quá nhưng cũng đắt quá, gần tháng lương của anh. Tôi đòi mua, anh bảo phải tiết kiệm để còn mua sữa tốt cho con, rồi bảo tôi mua vải rồi nhờ thợ may giống y chang kiểu như thế. Nghĩ chồng chi li, tính toán với vợ, tôi khóc rấm rứt, còn bảo anh hết yêu vợ, rồi giận hờn, bỏ ăn như… con nít. Thế mà, cuối tuần đi làm về, tôi đã thấy chiếc áo treo gần gương, mừng rỡ, tôi ôm cổ chồng hôn chùn chụt. Nhưng cũng từ đó, tôi để ý anh hay đi làm về muộn, hình như anh đăng ký làm thêm giờ.
Chiếc váy nhung bé bé xinh xinh của con gái 4 tuổi thật đáng yêu làm sao! Nhớ lại lúc mua nó, hai vợ chồng đã có một cuộc tranh luận sôi nổi. Tôi muốn mua bộ đồ thun ngắn của con trai, vì thấy bé Nhi hàng xóm mặc đồ con trai nhìn yêu yêu làm sao ấy. Nhưng anh ấy quyết liệt phản đối, anh bảo con gái phải mặc đồ con gái để tập cho con nét nữ tính, dịu dàng. Sau này, ra đường để ý thấy nhiều cô gái, gái không ra gái, trai không ra trai, thật có phần phản cảm. Tôi tưởng tượng sau này con gái mình cũng lệch lạc giới tính do sai lầm trong cách giáo dục từ nhỏ, thì chắc tôi đau khổ và ân hận lắm!
Cứ thế, mỗi chiếc áo, cái quần, đôi tất… đều gắn liền với ít nhất một kỷ niệm có ý nghĩa của gia đình bé nhỏ chúng tôi. Ai bảo giặt đồ là cực hình, biết bao điều hạnh phúc, niềm vui, tình cảm ấp áp và cả những bài học tôi nghiệm ra để sống tốt và yêu thương gia đình bé nhỏ của mình. Chỉ khi chính bàn tay mình cầm và giặt chúng mới hiểu được cảm giác nâng niu từng thớ chỉ, cái cúc như thế nào.
Thanh Hiên