- Thế mẹ chưa mua cho các con sao?
Thằng anh nhanh miệng trình bày:
- Mẹ nói đồ còn mặc được nên không mua. Mà ba ơi, mấy bộ đồ đó cũng gần một năm rồi, nó bị rách ngay nách một lỗ to lắm!
- Còn cái quần của con chật ních, mặc vào là phải nín thở luôn! – đứa em tiếp lời.
Vợ ơi, sao em tằn tiện với các con vậy? (Ảnh minh họa)
Nhìn các con mặc những bộ quần áo lem luốc, đã ngả màu cháo lòng, đôi mắt ra vẻ van xin, anh đau lòng lắm! Vợ ơi, sao em tằn tiện với các con vậy? Một năm chỉ có mấy ngày Tết, bọn trẻ cũng như người lớn, cần có quần áo đẹp để đi chơi xuân, để vui vẻ cùng bạn bè và người thân. Lẽ nào em lại muốn con mình như những đứa trẻ ăn mày trong mấy ngày Tết? Rồi ba mẹ, bà con, hàng xóm nhìn vào gia đình mình như thế nào đây? Mà lũ con mình có đua đòi gì cho cam, chúng chỉ mong có một bộ quần áo đẹp để hãnh diện với bạn bè vào đầu năm mới thôi mà!
Câu chuyện “vắt cổ chày ra nước” của em nào có dừng lại ở mức đó đâu? Đã cận Tết rồi mà em chẳng sắm sửa gì cho gia đình cả. Từ bánh mứt cho đến gạo nếp, măng khô… chẳng thấy em mua thứ gì. Hỏi đến thì em tỉnh bơ: “Mấy ngày Tết, gia đình mình có ở nhà đâu mà mua với chả sắm? Cả nhà mình chạy sang nhà nội mấy ngày, rồi chạy sang nhà ngoại mấy ngày cho đỡ tốn kém”. Anh sợ cái “triết lý”… siêu hà tiện của em lắm rồi! Em nói thì dễ nghe, nhưng không chịu nhìn vào thực tế. Anh và em đều có bạn bè, họ vẫn hay ghé nhà ta chơi thường xuyên. Đó là chưa nói đến ông bà nội, ông bà ngoại hay đến thăm các cháu vào ngày đầu năm mới. Em còn nhớ cái Tết năm ngoái không? Bạn bè anh đến chơi mà chẳng có gì thết đãi. Anh phải chạy vội ra đầu ngõ mua một hũ kiệu nhỏ, mớ tôm khô, trứng vịt bách thảo và một ít thịt kho mà mẹ cho để đãi khách. Cũng may, ngày đầu năm mà tiệm tạp hóa không đóng cửa. Thế mà em lại dửng dưng, bỏ sang nhà hàng xóm “buôn chuyện”, không thèm quan tâm đến cảm nhận của anh và bạn bè. Ngày Tết mà em khó chịu vậy sao?
Trong khi em hà tiện với các con, với anh thì em lại hào phóng với chính bản thân mình. Quanh năm suốt tháng, em thường xuyên “ghé thăm” các cửa hiệu thời trang để mua những bộ cánh đắt tiền, những đôi giày hàng hiệu, những món nữ trang quí phái. Đồ đạc trong nhà ít khi nào thấy em mua sắm, mà đều do ba mẹ “trợ cấp”. Những khi nhà thiếu cái thau, cái đĩa… em chỉ cần sang nhà mẹ mượn về, sau đó thì giữ lại làm của riêng.
Quanh năm suốt tháng, em thường xuyên “ghé thăm” các cửa hiệu thời trang... (Ảnh minh họa)
Bản thân anh không được em chăm sóc cũng chẳng sao. Nhưng còn lũ con nheo nhóc của mình thì ngược lại. Chúng còn quá nhỏ và cần có một mùa xuân tươi đẹp. Trẻ con mà em!
Anh mong rằng năm nay, nhà ta ăn Tết to và tất cả những gì trong nhà đều mới mẻ, tươi trẻ như mùa xuân. Để có được điều này, anh cần bà xã bớt tằn tiện lại, hào phóng chút ít để ngày Tết gia đình mình thêm vui. Xài sang không có nghĩa là hoang phí, vì những năm qua, chúng ta đã “thắt lưng buột bụng” quá nhiều rồi, đến lúc cần phải hưởng thụ chút gì đó. Vả lại, với đồng lương ổn định của vợ chồng mình thì anh nghĩ chẳng có gì là xa xỉ cả. Cận Tết rồi đó vợ, em mau mau sắm sửa đi thôi!
Nguyễn Thanh Vũ