Cái ranh giới trở thành người xấu, kẻ độc ác tôi dần đặt chân đến, rất gần. Tôi có thể cáu bẳn, khó chịu, cay cú, trách cứ, thét gào, dữ dằn mỗi khi trong lòng cảm thấy không vui, khi không được chồng chia sẻ. Cứ mỗi tháng, cái cảm giác râm ran đau bụng dưới là cảm giác mà tôi luôn muốn không có, khi nó đến đồng nghĩa với việc tôi không có thai. “Cây khô không lộc, người độc không con”, câu nói rỉ tai bàn luận mỗi khi tôi về thăm nhà chồng như xát muối vào vết thương đang mở miệng và đang dần sưng tấy lên vì nhiễm trùng những suy nghĩ, tưởng tưởng tiêu cực, vì những âm ỉ nguyện vọng và trách cứ bên nhà chồng.
30 tuổi, tôi lên xe hoa về nhà chồng với bao dự định, kế hoạch tốt đẹp về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, cái mong ước được làm thiên chức của người sinh thành dường như vẫn quá xa vời, ngoài tầm tay với. Bác sĩ bảo tôi vô sinh không rõ nguyên nhân. Vẫn còn tia hy vọng le lói, ngọn lửa niềm tin vẫn chưa hẳn vụt tắt. Tôi tiếp tục chạy chữa, hi vọng và mong đợi từng ngày từng tháng.
Tiền của hai vợ chồng làm cật lực, dành dụm đều đổ vào việc chạy chữa, van vái tứ phương, mong có 1 mụn con. Có lúc tưởng chừng như vô vọng, chữa chạy nhiều nơi mà kết quả cũng chẳng thấy đâu, tôi rơi vào tuyệt vọng, trầm cảm nặng. Nhìn bạn bè tay bồng tay bế, nựng nịu con yêu mà tôi cảm thấy tủi thân, tội nghiệp chính mình. Thương chồng cũng thèm khát tiếng cười nói bi bô của trẻ thơ, thương chồng phải nói tránh nói khéo giúp vợ mỗi khi có người thân hỏi cạnh hỏi khóe, thương chồng vì phải chịu đựng tính khí thất thường của tôi, nỗi buồn của tôi. Có lúc, tôi đã nghĩ tới việc nhờ người mang thai hộ, thậm chí là tìm cho chồng “phòng nhì”.
Đã gần bước vào tuổi 35 rồi, khả năng không có con càng tăng cao, nỗi buồn tủi ngày càng chồng chất. Mỗi đợt khám, đến bệnh viện tôi chứng kiến chị em với những hoàn cảnh, nỗi niềm khác nhau nhưng chung một mong ước là một đứa con. Bi đát hơn, có người bị vô sinh, không thể sinh con cho chồng nên bị chồng ruồng bỏ, nhà chồng xỉa xói, khinh thường. Có trường hợp không con là do chồng, nhưng chị em vẫn vui vẻ chấp nhận cùng chồng điều trị, cùng chồng vượt qua những khó khăn trở ngại, chấp nhận thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo. Nếu kém may mắn, chị em sẵn sàng xin con nuôi hoặc sống không con cùng chồng đến trọn đời… Tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn vì vẫn còn sống cùng chồng, vẫn được chồng yêu. Và tôi cảm thấy mình được chia sẻ rất nhiều.
Người phụ nữ nào khi lập gia đình cũng mong thực hiện được thiên chức làm mẹ nhưng đâu phải ai cũng có được một cách dễ dàng. Đối với người này, chuyện lập gia đình rồi sinh con đẻ cái là chuyện bình thường, có người chạy chữa thành công thì cho rằng cũng dễ, nhưng đối với chúng tôi, có được một đứa con là cả nỗi ước vọng và thèm khát.
Biết đâu ngày nào đó, chúng tôi thành “người độc” vì những lời độc và thái độ mỉa mai, khinh khi, miệt thị của mọi người, đặc biệt là người nhà chồng!
Kim Hân
(Ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Kim Ph. – Trảng Bàng, Tây Ninh tại BV Từ Dũ)