Trong bối cảnh kinh tế suy thoái lan rộng toàn cầu, không ít gia đình rơi vào tình trạng có người bị thất nghiệp! Các chuyên gia tâm lý cho rằng, dù trong gia đình, vợ là người kiếm tiền nhiều hơn chồng thì việc vợ thất nghiệp không nặng nề bằng chồng bị mất việc. Với nữ trí thức, nếu rơi vào trường hợp chồng mất việc lại càng cần phải xử lý thật khéo léo, khôn ngoan và tế nhị.
Sự nghiệp đối với đàn ông rất quan trọng. Khi thất nghiệp, dù ở mức kiếm ra tiền không bằng vợ nhưng họ sẽ luôn cảm thấy mình vô dụng, thất bại (cho dù đã “quán triệt tư tưởng” rằng, không làm việc này thì việc kia, họ có thể lui về nhà dạy dỗ con cái học hành, nội trợ giúp vợ…). Trường hợp này, người xưa thường gói gọn trong hai từ gọi là “sĩ diện” hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là “bản lĩnh đàn ông”.
Khi một người thất nghiệp, bất kể là nam hay nữ, cảm giác đầu tiên hụt hẫng và tiếp theo là trạng thái cô đơn. Ở người đàn ông, cảm giác này sẽ gấp đôi, gấp ba phụ nữ. Và tất nhiên, khi chồng thất nghiệp, gánh nặng sẽ đổ hết lên vai người vợ. Không chỉ cơm áo, mà còn gánh nặng về tâm lý. Hơn thế nữa, đó là sự chịu đựng trạng thái “thất thường” của chồng. Bất kỳ một cư xử nào của người vợ dù có khéo léo đến đâu cũng có thể làm chồng bị tổn thương.
Hãy thử xem các chị nữ trí thức chia sẻ những gì?
- Đầu tiên là tiền đâu để sinh hoạt gia đình trong thời gian sắp tới? Kế đến là những diễn biến tâm lý xáo trộn của người phải làm những công việc vốn không phải của mình, cho dù đó là công việc dạy con học mà anh ấy vẫn đảm nhiệm khi trước. Tiếp nữa, không phải những đứa con không biết là bố chúng bị thất nghiệp… Vai trò của ông bố ít nhiều cũng giảm sút đi một cách đáng kể… Thôi thì, hãy lạc quan coi đó là một cái “đận” của gia đình và cố gắng vượt qua.
- Cái khó khăn nhất trong gia đình có chồng thất nghiệp là điều chỉnh lời ăn tiếng nói của vợ. Phụ nữ - dù là những trí thức, lúc đó cũng hay than thân trách phận, càm ràm, phàn nàn... Vấn đề ở đây là: Hãy bình tĩnh, nên nhìn mọi thứ với quan điểm hài hước một chút và quan trọng là, không phải chồng thất nghiệp đều khoán hết việc nhà cho anh ấy bởi quan niệm “tôi đi làm thì anh phải nội trợ”. Nếu trước kia mọi thứ “Anh ơi, anh làm giúp…”, bây giờ chồng thất nghiệp ở nhà cũng phải “Anh ơi, anh giúp em…”. Đó là lời nói khéo, nhắc nhở chồng rằng, anh chỉ tạm thời giúp em thôi, còn việc của anh là ở ngoài xã hội kia. Điều quan trọng nữa là vợ phải cùng chồng xắn tay áo tìm kiếm việc làm mới, đó là cách giải quyết vấn đề tích cực nhất và cũng để khẳng định rằng, chồng không đơn độc khi anh gặp khó khăn, lúc nào em cũng sát cánh cùng anh.
- Cái lo lắng nhất khi chồng thất nghiệp là “nhàn cư vi bất thiện”. Đàn ông nhiều khi họ dễ buông xuôi hơn phụ nữ. Người phụ nữ, với bản tính hay lam hay làm, thất nghiệp họ cũng có thể kiếm việc gì đó làm ngay. Ở người đàn ông, không thể một sớm một chiều thích nghi được với sự nhàn rỗi. Do đó, nghĩ việc gì để “điền vào chỗ trống” thời gian của chồng là điều quan trọng. Việc gì cũng được miễn là có ích cho gia đình, dù việc ấy không ra tiền, thậm chí phải bỏ tiền ra nữa như học một nghề gì đó, thêm một văn bằng nữa chẳng hạn. Đôi lúc trong cái rủi lại hóa may!
- Một điều rất tế nhị khi chồng thất nghiệp là chuyện phòng the. Trước kia sao thì bây giờ vậy. Đôi khi cách giải quyết vấn đề không ổn thỏa gây ra mâu thuẫn lớn. Sông có khúc, người có lúc, cũng may là chồng mới thất nghiệp, chứ nếu chồng nằm bệnh thì cái nào khó khăn hơn?
Đó là lời tâm sự rất thật của những người phụ nữ trí thức đã đi qua giai đoạn có chồng thất nghiệp. Mong rằng những ý kiến nhỏ này có thể hữu ích cho chị em phụ nữ.
Thi Thi