Tuy đã 37 tuổi nhưng anh như đứa trẻ “lâu năm”, chẳng chịu lớn trong cách hành xử và cách sống. Anh sống vô tư, vô tâm, vô lo nên trông cũng trẻ toàn diện theo nghĩa đen. Còn chị, phải quán xuyến việc trong nhà ngoài ngõ, họ hàng hai bên nên tuy gái một con nhưng nhìn… xót cả con mắt, tiều tụy, khô cằn với những nếp nhăn ngày càng nhiều, với những cái lắc đầu ngán ngẩm và tiếng thở dài thườn thượt trong đêm khuya.
Ảnh minh họa.
Lấy vợ rồi nhưng anh vẫn mang nếp sống như thời độc thân vào đời sống vợ chồng. Tan sở về, chị tất tả tạt ngang chợ mua ít thức ăn, rồi lại tất tả vào bếp chuẩn bị cơm nước, giặt giũ; còn anh thì “bận” thang lang ở đâu đó, khi thì đi đá banh, lúc thì cà phê cà pháo với bạn bè, đến giờ cơm thì về, có khi biệt tăm đến 12 giờ khuya, sau khi gửi cho vợ một tin nhắn “anh có việc, đừng chờ cơm”, rồi tắt máy. Về đến nhà, rượu bia đã ngấm, anh chẳng biết trời trăng gì nữa, lăn quay ra giữa nhà, giày dép, áo quần vứt tứ tung rồi "phóng uế tại trận". Những lúc ấy, lòng chị tràn ngập tủi thân, chị khóc tức tưởi, rồi lại tự vỗ về mình nín khóc vì có ai thấy, ai nghe, ai hiểu đâu?
Khi anh có “nhu cầu”, không nói không rằng, anh xoay sang ôm vợ, vuốt ve vài “đường” như là báo hiệu cho chị rồi “nhập cuộc”. Bản năng đàn bà của chị chưa kịp đánh thức những giác quan, đã lịm tắt trong tiếng ngáy pho pho của chồng. Chị lại khóc tủi thân, rồi lại tự dỗ mình nín khóc trong giấc ngủ chập chờn những bất mãn, chịu đựng.
Chị quần quật cả ngày với công việc cơ quan, những việc nhà không tên. Anh như ông chủ trong nhà, về đến nhà chỉ việc quăng cặp xuống so pha, gác chân đọc báo hoặc nghểnh cổ xem ti vi. Chị cũng muốn anh giúp chị chút việc nhưng anh đụng đến đâu hỏng đến đó. Nhờ anh nhặt rau thì cọng già cọng non lấy tất, lá hư lá tốt bỏ cả; nhờ anh rửa bát thì không vỡ cũng còn dính mỡ. Thôi thì, chị làm cho xong. Mệt nhất là chị phải tự tìm xem quần áo của anh cái nào “có mùi”, cái nào “còn thơm” thì tự đem giặt.
Việc gì anh cũng hỏi ý kiến chị, ban đầu thì chị có cảm giác được tôn trọng, nhưng lâu dần, chị nhận ra, dường như anh không có chính kiến cho riêng mình. Ngay cả việc sếp bảo đi công tác hai ngày ở tỉnh bên, anh cũng không tự quyết mà gọi điện về hỏi vợ; đi ăn cưới thằng bạn, mừng mấy trăm ngàn, quần áo nếu vợ không là thì cứ thế nhăn nhúm ra đường, vớ được cái nào choàng lên người cái đó.
Đó là chưa kể đến việc con cái. Vì sống riêng nên mọi chuyện, từ chăm con, chơi với con, dạy con học, đưa đón con… một tay chị lo hết. Lúc vui lên, anh đùa với con một câu, gọi con một tiếng rồi lại “con ra kia chơi cho ba xem ti vi”.
Chị không thể đổ lỗi cho ai, bởi chị biết đó là do chính mình đã không tìm hiểu kỹ trước khi đồng ý tiến đến hôn nhân. Than thân trách phận cũng chẳng ích gì. Ai bảo chị đảm đang, tháo vát và cũng mạnh mẽ quá. Nhưng chẳng lẽ đó là nguyên nhân khiến chị khổ?
Kiều Nga