Ai cũng muốn vui vẻ với mọi người, nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng êm thắm. Việc tranh cãi với những người không đồng quan điểm là điều khó tránh khỏi. Và, một khi đã tranh cãi thì ai cũng nghĩ mình đúng, người khác sai nên câu chuyện rất có thể trở nên căng thẳng, nặng nề...
Anh Quân, trong khi chờ vợ dọn cơm, tranh thủ đem cái quạt điện ra sửa. Chị Loan đang nấu cơm, vợ chồng vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ. Bỗng chị Loan hỏi: “Hành anh mua về để đâu rồi?”. Anh ngớ người, chợt nhớ là vợ có gọi điện thoại nhờ anh trên đường về ghé qua chợ mua hộ mớ hành nhưng anh quên mất. Anh chống chế cho qua chuyện: “Không có hành cũng chẳng sao!”. Nhưng chị Loan lại nhất định phải có hành: “Anh để đấy chạy ra chợ mua mớ hành đi! Em dở tay không đi được”. Anh đang bực mình vì vặn quá tay gãy mất cái ốc vít bằng nhựa nên gằn giọng: “Thôi đi, không có hành đã chết à?”.
Chị không chịu thôi, vẫn dai dẳng: “Người không được tích sự gì, nhờ một việc cỏn con thế cũng không làm được”. Ngừng một lát, chị lại tiếp: “Anh đem cái quạt ra hiệu cho người ta sửa đi! Loay hoay như thế chỉ có lợn lành hóa lợn què”. Bỗng chị giật mình nghe đánh “choang” một tiếng, cái quạt bay vèo ra sân, kèm theo một tiếng... chửi thề.
Chị sầm mặt lẩm bẩm: “Vô văn hóa!”. Anh Quân chạy đến chỉ vào vợ: “Đại học mà vô văn hóa thì cái hạng trung cấp như cô xếp vào loại gì hả?”. Chị ăn miếng trả miếng ngay: “Đại học cũng có năm bảy loại. Có loại đầu toàn bã đậu”. “Bốp”! Sau cái tát của chồng, vợ ôm mặt gào lên. Thế là thành một cuộc chiến thực sự. Chị đùng đùng bế con bỏ về nhà mẹ đẻ. Nửa tháng sau, hai người vẫn chưa làm lành được với nhau.
Cái giá của sự hơn thua
Đã tranh cãi thì chẳng ai không muốn giành phần thắng, nhất là với đàn ông, bởi tính hiếu thắng dường như đã được tạo hóa cài đặt trong gien của họ. Với họ, ngôn ngữ không đơn thuần chỉ để giao tiếp mà còn là công cụ để đua tranh. Vì vậy, trong đa số cuộc “nội chiến”, đàn ông thường giành phần thắng cho bằng được, nếu không thắng được bằng ngôn ngữ, họ sẽ dùng đến sức mạnh cơ bắp. Tiếc là, đôi khi thắng lại đồng nghĩa với… bại.
Cái giá của chiến thắng nhẹ nhất có thể là bữa tối không có cơm; nặng hơn là ra đi-văng ngủ một mình cho muỗi đốt, mai đến cơ quan phờ phạc như quân thất trận. Cũng có khi các bà trả đũa bằng cách nằm quay mặt vào tường, chồng vừa động đến đã bị hất tay ra kêu mệt, "mỡ treo cho mèo nhịn". Vì thế, đàn ông nên xác định cãi nhau với vợ chỉ là “đá giao hữu” chứ không phải “một mất một còn”, phải biết thua trong danh dự mới là cao thủ, vì sau đó chỉ sợ không đủ sức mà nhận… “bồi thường chiến tranh”.
Sức mạnh của sự hài hước
Có những cuộc “chiến tranh” trong gia đình mà khi bão táp qua đi, bình tĩnh nghĩ lại, hai người trong cuộc cũng không nhớ nổi mình đã bắt đầu cãi nhau vì chuyện gì. Đặc điểm của phái mạnh là khả năng định hướng tốt hơn, nên đàn ông phải luôn “cầm trịch” cuộc tranh cãi.
Khi thấy vợ “lạc đề”, nên dừng lại hoặc lái câu chuyện trở về chủ đề ban đầu. Nếu bạn cứ để đối phương “dẫn dắt", "trận đấu” không biết sẽ đi đến đâu. Khi tức quá không làm chủ được hành vi thì từ “đấu tranh chính trị”, bạn có thể chuyển sang “quân sự”, đập phá cái gì đó cho bõ tức, hôm sau lại... tiếc.
Khi khảo sát 100 bà vợ: “Đức tính nào của người chồng mà phụ nữ thích nhất?” thì có đến 87% thích tính hài hước. Vì vậy, khi tranh cãi với vợ, các ông không nên dùng lý lẽ sắc sảo, những câu nói gây tổn thương mà nên tranh luận bằng thứ ngôn ngữ có tính hài hước. Đôi khi cũng phải “miệng lưỡi” chút xíu vì đặc điểm muôn thuở của phụ nữ là ưa nịnh.
Người phương Tây đánh giá cao những đàn ông giỏi “nịnh đầm”. Nhiều khi chỉ một câu pha trò là có thể tránh được cả một cuộc chiến đau đầu. Chẳng hạn, khi vợ bảo nhất thiết phải có hành mới ngon, tại sao anh Quân không nói: “Vợ anh nấu ăn thì không cần hành vẫn ngon ngất trời”. Hoặc: “Anh đã cố đi tìm năm cái chợ mà vẫn không ra thứ hành ngon nhất, chỉ toàn hành héo, anh sợ đem về em mắng nên không dám mua...”. Vợ cũng biết là chồng nói ngoa, nhưng làm sao giận được?
Như Trinh