Công ty tôi có sếp mới, trưởng chi nhánh phía Nam chứ không vừa. Vậy mà lại là nữ chứ. Ai cũng đoán bà ấy chắc già xọm, khó tính, cau có… Nhưng không ngờ, chị cũng chỉ trạc tuổi chúng tôi, trẻ trung, năng động. Trong một lần cơ quan liên hoan, có điện thoại, chị nhấc máy, trả lời thật dịu dàng: “Dạ, em nghe đây anh! Dạ, dạ….”. Lúc đầu, tôi tưởng chị tiếp chuyện các sếp cấp trên. Sau mới hay chị đang nói chuyện với chồng. Mà chồng chị chỉ là nhân viên bình thường trong chi nhánh khác!
Chợt chạnh lòng, bởi đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn nghe được tiếng “dạ” từ miệng vợ. Mỗi lần gọi điện thoại, chỉ toàn nghe thấy: “Đang ở đâu vậy, chừng nào về, nhớ đón con, lĩnh lương chưa….”. Tiếng “dạ” ngọt ngào mà cô ấy thường dành cho tôi hồi mới yêu đã bị “delete” ra khỏi khẩu từ điển của cô ấy tự bao giờ.
Sống trong thời đại này, nam nữ bình đẳng, phụ nữ chẳng còn bị xếp sau đàn ông, người vợ không phải dưới quyền chồng nên họ không cần thiết phải qụy lụy, khúm núm khi nói chuyện với chồng như một lối nhân xưng của người dưới đối với người trên. Nhưng là đàn ông, tôi thích được vợ tôn sùng, thèm được chở che cho vợ, muốn được nhận sự “ngoan ngoãn” của vợ dù chỉ qua một từ “dạ” đơn giản. Vợ chồng có những lúc thuận hòa, có những cơn ghen nảy lửa, có những khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt… giá như lúc nào vợ cũng “dạ” với chồng thì mọi bất hòa chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều. Thế giới bình đẳng đến đâu thì đàn ông vẫn cứ muốn được làm cây tùng cây bách, vẫn thích cảm giác cầm chặt lấy đôi tay rụt rè, e lệ của cô dâu mới dẫn về qua ngõ nhà mình.
Vợ chồng có nhiều cách xưng hô, có người suốt đời chỉ ông và tôi, có người lại xưng tên như hồi còn học chung, có người anh em ngọt lịm… Nhưng dù dùng đại từ nhân xưng nào đi nữa, chỉ cần vợ “dạ” mỗi khi chồng gọi là đủ khiến trái tim mềm yếu của đàn ông chúng tôi tan chảy rồi.
Không hiểu sao phụ nữ ra đường có thể vâng dạ dễ dàng với cấp trên, đồng nghiệp… mà với chồng lại kiệm lời đến thế!
Huỳnh Cao Minh