Nhắm mắt vào mà không ngủ được, Hà lại như thấy Lan cười giòn tan:
- Anh làm đầy tú lu thế này, tí nữa mà không ăn hết em đổ vào mũi anh đấy!
Rồi tiếng chồng Lan hề hề:
- Đã bảo mấy thằng này bao nhiêu cũng ít mà lị. Em toàn lo vớ lo vẩn. Đã bao giờ anh làm cái gì còn thừa chưa?
Họ cứ ríu rít như đôi chim cu vậy. Con Lan kể cũng tài thật. Đi làm về không biết mệt còn bày vẽ ra nhậu với nhẹt. Cái mặt nó còn tươi hơn hớn vẻ hỉ hả lắm khi được phục vụ chồng và lũ bạn của chồng nữa chứ. Mà đâu phải chỉ có lần này, chủ nhật nào dẫn cu Bin sang chơi, Hà cũng thấy Lan hí húi trong bếp. Khi một mình, lúc cả hai vợ chồng cứ như nhà có đại tiệc ấy.
Nhiều lúc Hà cau mày bảo Lan:
- Sao bà phải khổ thế? Được ngày nghỉ, không bắt ông ấy đưa đi chơi hay về bà nội, bà ngoại cho rảnh rang, còn cứ rúc đầu vào xó bếp làm gì?
Những lúc ấy, Lan chỉ cười dí dỏm:
- Sao lại dị ứng với niềm hạnh phúc của người khác thế nhỉ?
Đó là còn chưa kể có lần, chồng Lan vừa về đến nhà, có cả Hà ở đấy, anh ta chạy thẳng vào nhà vệ sinh ói ra hết rồi còn lè nhè:
- Đâu rồi? Đâu rồi? Cho anh cái khăn…
Hà mà rơi vào trường hợp như thế thì ông xã đã nghe đủ rồi. Thế mà Lan còn ân cần:
- Lần sau say thì phải bảo chú An chở về chứ! Anh liều thật.
Rồi Lan tất tả đi lấy khăn lau miệng cho chồng, dìu anh ta vào giường, còn pha nước chanh cho anh ta uống nữa chứ!
Hà chứng kiến tất cả những hành động của bạn mà như nhìn thấy chuyện lạ vậy. Lát sau, cô sa sả nói bạn:
- Cứ để kệ một lần là kinh hết. Cái của nợ “chó còn không muốn ăn” thế mà bà còn dọn cho. Lần sau, đi uống với đứa nào thì gọi nó đến mà hầu! Bà còn nối giáo cho giặc “Sao không bảo chú An chở về”. Nó mà chở về thật, bà phải đập vào mặt nó để từ lần sau chừa cái thói rủ rê người khác đi.
- Các ông ấy cũng phải có bạn bè chứ! Với lại ông xã nhà mình cũng không hay bù khú đâu. Chắc hôm nay cơ quan lại có khách khứa gì đó. Đôi khi cũng phải thả các ông ấy tí chứ giữ làm gì? Mà từ ngày còn học, tôi với bà chả khác nhau hoàn toàn à?
Đúng vậy! Khác hẳn với Lan, Hà chẳng bao giờ “tự làm khổ mình” như thế. Nhiều hôm đi làm về muộn, Hà rẽ vào quán xách vài túi đồ làm sẵn về cho đỡ mất thời gian. Cũng có khi Huy, chồng cô nhăn mặt, kêu không nuốt nổi, Hà gắt:
- Thời gian ở đâu ra mà nấu với nướng mà chả phải đi mua.
Thế là cả nhà im lặng ăn cho hết bữa. Huy của cô cũng rất lắm bạn, toàn những tay nhậu “cừ khôi” nhưng chưa bao giờ Hà cho phép anh mang bạn về nhà. “Muốn nhậu thì ra quán” – Cô quán triệt.
Có lần, Huy bảo vợ:
- Ngày xưa, mẹ hay kho cá cho bọn anh ăn lắm! Kho theo kiểu vùi xuống trấu xong rồi ăn được cả xương ấy! Bây giờ ăn thứ gì cũng thấy thua cái món cổ truyền ấy. Hay chủ nhật này em kho cho anh nồi cá?
- Anh toàn kể chuyện cổ tích. Bây giờ cái gì chẳng có dịch vụ mà phải mất công kho kiểu ấy? Mai đi hàng là có hết. Nó còn kho ngon bằng vạn cái ngày xưa của anh! - Hà nguýt dài.
Và rồi, những bữa cơm ấm cúng của gia đình Hà cứ thưa dần. Suốt ngày, Huy viện cớ tiếp khách này nọ, chỉ đến khi say mềm mới lần về nhà. Thời gian đầu, Hà rít lên mỗi khi thấy chồng trong tình trạng lảo đảo, mồm sặc sụa mùi rượu. Cô nhiếc móc Huy không còn một lời nào. Những lúc ấy, Huy chỉ cười khẩy:
- Chẳng phải cô muốn đuổi tôi ra quán nhậu sao?
Hà cay đắng nghĩ rằng mình là người phụ nữ thiệt thòi. Cô gào lên rằng
- Xã hội bây giờ nam nữ bình đẳng. Anh muốn ăn thì phải tự vào bếp mà làm, đừng làm khổ vợ.
Bởi cô suy nghĩ rất đơn giản rằng: Một ngày cô đi làm như Huy, công việc xã hội ngang nhau, cô lại è cổ gánh thêm gánh nặng việc nhà thì “chết già chứ gì nữa”…
Hà cứ nằm thế, miên man suy nghĩ. Có lẽ Lan đã nói đúng: “Chăm sóc người khác cũng là một niềm hạnh phúc, nhất là với người thân của mình”. Bảo sao chồng Lan luôn quấn quýt bên vợ. Hơn 10 năm lấy nhau mà vẫn như hồi mới cưới. Bây giờ Hà đã hiểu: Đúng là “lạt mềm buộc chặt”
Mai Văn Duy