Hầu hết các cô dâu đều có cảm giác hồi hộp, bối rối xen lẫn háo hức khi đặt chân về chốn "quen mà lạ". Có lẽ, điều các cô quan tâm nhất lúc này là làm thế nào để được hưởng một cái Tết vui và trọn vẹn hơn với nhà chồng và đặc biệt là không mắc "sự cố" nào.
Chị Thanh Thủy - nhân viên văn phòng ở TP.HCM chia sẻ: Năm mới, Tết đến nhiều việc lắm. Nếu may mắn làm dâu ở một gia đình “thoáng” thì sẽ vô cùng thoải mái nhưng nếu nhà chồng khó tính, nền nếp thì phải ý tứ và cẩn thận hơn. Đặc biệt là dâu mới lại càng được nhà chồng “soi” rất kỹ từ chuyện ăn mặc, tham gia công việc nhà và nội trợ, quà Tết, chào hỏi họ hàng… Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà cảm thấy áp lực.
Hãy tham gia cùng bố mẹ hoặc em chồng việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. (Ảnh minh họa)
Dọn dẹp nhà cửa đón Tết
Ngày Tết, gia đình nào cũng muốn cho ngôi nhà mình đẹp và khang trang hơn. Hãy tham gia cùng bố mẹ hoặc em chồng việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Bạn sẽ mệt lắm đấy, nhưng hãy cố gắng xem việc đó như khi ở nhà mình. Hãy rủ chồng cùng làm với bạn. Bạn có thể nhờ chồng lau bộ ấm chén, đánh lại bộ lư đồng đã cũ hay cùng nhau ra chợ chọn thêm vài cây cảnh cho phòng khách. Bạn sẽ hào hứng hơn khi có người giúp sức và tự thấy hài lòng vì từ bây giờ ngôi nhà sẽ có thêm sự chăm sóc của mình.
Mua sắm
Hãy hỏi ý kiến mẹ chồng về những loại bánh mứt, hoa quả cho gia đình, kể cả đồ ăn dự trữ trong ba ngày Tết. Liệt kê chúng vào một tờ giấy, bạn sẽ ước tính được số lượng mình cần phải mua. Nếu bạn muốn một cái Tết tươm tất hơn cho gia đình khi có con dâu mới thì có thể đề xuất thêm với mẹ chồng vài món bạn muốn. Nhưng đừng nên quá tay nhé, có thể bố mẹ chồng sẽ không hài lòng vì nghĩ rằng bạn tiêu pha phung phí.
Trổ tài nội trợ
Trước khi về nhà chồng, bạn cũng nên “giắt lưng” cách làm mâm cỗ và các lễ cúng trong gia đình từ hôm tất niên, cúng giao thừa cho đến cỗ tiễn ông bà. Nếu bạn là người vụng về với việc bếp núc thì nên “kề vai sát cánh” bên mẹ chồng để nhờ bà chỉ bảo, nhặt rau hay phụ bếp giúp bà sẽ phần nào che bớt “khuyết điểm” của mình. Hãy thành thật rằng bạn không giỏi nội trợ và muốn học những món ăn từ mẹ chồng. Chắc chắn bà sẽ tận tình “đào tạo” cô con dâu mới.
Chú ý cách ăn mặc
Hãy bỏ qua những chiếc quần ngắn ngủn, váy ngắn hay những chiếc váy cổ khoét sâu. Ngày Tết, gia đình bạn sẽ đón tiếp rất nhiều khách nên hãy chọn cho mình một bộ đồ kín đáo và lịch sự để bố mẹ chồng bạn có thể tự tin khoe con dâu với khách của mình.
Hãy theo chồng đi chào hỏi những người họ hàng và hàng xóm ở gần... (Ảnh minh họa)
Chào hỏi
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Câu nói này đúng hơn bao giờ hết nếu bạn bắt đầu về làm dâu. Hãy theo chồng đi chào hỏi những người họ hàng và hàng xóm ở gần, đây là dịp để chàng ra mắt cô dâu. Việc chào hỏi tương đối quan trọng, nhưng nếu không khéo léo, bạn sẽ dễ bị họ hàng chê trách. Nên hỏi bố mẹ về việc xưng hô đối với người mà bạn sắp gặp, bạn cũng có thể “xi nhan” trước cho chồng, xem anh chào hỏi người lớn như thế nào để học theo. Không quên mang theo phong bì mừng tuổi khi gặp trẻ con hoặc người lớn tuổi.
Tạm thời quên đi cuộc sống độc thân, vô tư khi đang ở cùng bố mẹ, bạn hãy tập làm quen với cuộc sống ở nhà chồng. Sẽ có không ít bỡ ngỡ, khó khăn, lạ lẫm ban đầu, nhưng hãy chân thành và ý tứ trong cách đối xử, bạn sẽ thấy cuộc sống của cô dâu mới không hoàn toàn khó khăn như đã tưởng.
Kim Ngân