Với không ít người, vẫn biết rằng khi đã là vợ chồng thì không hề có sự tính toán với nhau trong chuyện tiền nong, nhưng vẫn xảy ra mâu thuẫn, khúc mắc quanh chữ tiền. Và một thống kê cho thấy, tiền bạc vẫn là nguyên nhân của 1/3 số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng.
Rất tiếc, người làm ra nhiều tiền hơn bạn đời của mình nhưng lại không nghĩ rằng phải có sự giúp đỡ hỗ trợ, chia sẻ, gánh vác việc nhà của người kia mình mới có được thành quả ấy. Họ đã quên mất câu phương ngôn “của chồng công vợ” và gây ra nỗi muộn phiền, tủi thân và mặc cảm, tự ti cho người bạn đời.
Chị H. kể, kiếm tiền nhiều hơn vợ, nhưng Duy, chồng chị rất chi li trong việc tiêu pha hằng ngày. Hôm nào có việc gì không thể đừng, phải chi nhiều tiền như việc cưới hỏi của các em, hay con ốm, mẹ đau là cả ngày anh cứ chậc lưỡi tiếc mãi. Khổ nỗi thu nhập của chị lại quá thấp, chỉ đủ góp phần tiền ăn vào với gia đình, đúng như yêu cầu của anh, thỉnh thoảng mới dành ra mua cho mình, cho con được cái quần, cái áo. Mỗi lần nói đến chữ tiền với chồng, chị chỉ muốn khóc. Cuộc sống hiện đại biết bao nhiêu thứ phải chi tiêu, biết bao nhiêu nhu cầu phải đáp ứng. Cũng vì vậy, cuộc sống gia đình chị cứ nặng nề, mệt mỏi bởi những phàn nàn tiếc tiền của anh. Chẳng lẽ lại bỏ nhau chỉ vì một chữ “tiền”, chị cay đắng nghĩ.
Nhiều khi chính việc người vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng cũng gây ra không ít bi kịch. Chị N., chủ một cửa hàng lớn ở Hà Nội đã nói, lúc mới lấy nhau, vợ chồng tay trắng, nhưng gia đình lại rất hạnh phúc. Bây giờ đến lúc vợ chồng vương giả rồi, anh ấy lại sinh chuyện, nguyên nhân cũng bởi tiền anh ấy kiếm được ít tiền hơn chị. Từ đó, anh khó chịu, bắt ne, bắt nẹt từ cử chỉ đến lời nói. Chị lỡ lời một chút là anh gầm lên: “Phải rồi, cô giỏi...” rồi dắt xe bỏ đi uống rượu. Chị nào có tự hào gì về việc mình kiếm được tiền, thực lòng chỉ muốn được cùng anh lo cho gia đình, nhưng giải thích cách nào anh cũng không hiểu.
Nhiều khi chuyện không đồng tình trong sử dụng tiền bạc cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa trong gia đình. Chồng thì muốn mua một cái tivi lớn, vợ lại muốn mua một cái tủ đựng quần áo thật to. Vợ muốn mua xe máy trông thật xịn cho bằng bạn bè nhưng chồng lại muốn mua ô tô trả góp…, rồi cả hai mặt nặng mày nhẹ bởi vợ chồng cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế.
Nhiều người cho rằng, mặc dù tiền bạc không phải là tất cả nhưng nó vẫn là phương tiện cực kỳ quan trọng để người ta đạt được đến hạnh phúc, nhất là hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi. Vì thế, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người vợ và chồng khi quan niệm về tiền bạc.
Nhiều đôi vợ chồng trẻ sống phóng khoáng nên quan niệm về tiền bạc cũng rất thoáng. Khi mới cưới nhau xong, họ đã thống nhất rằng tiền của ai người nấy tiêu. Khi có việc gì chung thì sẽ bàn bạc, cùng đóng góp lại. Ban đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng và ổn thỏa. Nhưng khi có con, kéo theo nó là một loạt những chi tiêu chung. Lúc đó, họ bắt đầu hạch sách nhau, trách móc vì việc đưa nhiều đưa ít, nghi ngờ và dẫn đến rạn nứt mối quan hệ.
Tiền bạc tuy là rất quan trọng nhưng nó không hẳn là nhu cầu duy nhất trong cuộc sống, là nguyên nhân duy nhất quyết định gia đình hạnh phúc. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau khi kết hôn, hãy tập nói “của chúng ta” thay vì nói “của tôi” như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới thật sự trọn vẹn tin tưởng, thương yêu nhau. Một điều cũng khá tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau như thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia? Trong trường hợp chồng có thu nhập cao hơn vợ, điều tối kỵ nhất là người chồng làm “quản gia” trong việc chi tiêu hằng ngày của gia đình. Còn trong trường hợp vợ có mức thu nhập cao, cũng hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, có như vậy người chồng mới tự tin, thoải mái và cảm thấy mình được vợ tôn trọng.
Một người phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện của chị như một kinh nghiệm trong việc xử lý chuyện tiền. Chị rất công khai với chồng những khoản mình kiếm được. Muốn mua gì, lúc hai vợ chồng vui vẻ, chị đưa ra những dự định và bàn bạc việc hai vợ chồng nên tiết kiệm ra sao. Là người giữ tiền, nhưng chị luôn đặt vào trong ví của anh dư dư số tiền anh có thể phải chi tiêu. Mỗi khi anh cần khoản nào chính đáng, chị đều đưa anh ngay. Khi chị tiêu tiền vào việc gì cũng nói lại để anh biết…
Giờ đây, cả hai vợ chồng chị cảm thấy có cuộc sống thoải mái, vì họ tìm được sự đồng thuận và rất ít khi tranh cãi với nhau về vấn đề kinh tế.
Minh Quang