Bật lại - thiệt hại đủ điều
Thấy mẹ gọi mãi mà con không cất đồ chơi để đi tắm rồi ăn cơm, bố ngồi gần đó liền đạp ngã con trai 3 tuổi, kèm tiếng quát tháo: “Có đi tắm ngay không, sao mày lì thế!”. Chị Thanh (Đặng Văn Ngữ, Phú Nhuận, TP.HCM) chạy đến đỡ con và “bật” lại: “Anh điên à?”. “Cô nói ai điên?”. “Tôi nói anh đấy, con nó là con người chứ có phải con vật đâu mà anh đạp nó như thế”. Chị vừa dứt câu thì “đốp”, một cái tát giáng xuống mặt chị. Chưa hết, anh chồng còn đá thúng đụng nia, đạp đổ mâm cơm vợ vừa chuẩn bị xong. Sau đó dắt xe đi.
Chị Thanh ôm con, hai mẹ con cùng khóc. Mặc dù biết chồng nóng tính như Trương Phi, nhưng chị không thể nào giữ bình tĩnh khi thấy con bị bố đạp ngã sóng soài như thế.
Đã bao lần chị chứng kiến chồng nóng giận là đập phá đồ đạc, đã bao lần chị tự nhủ phải bình tĩnh, im lặng cho xong chuyện. Nhưng chị không làm được vì cảm thấy uất ức, cảm giác chồng xem thường vợ.
Im lặng có phải là vàng?
Người xưa thường khuyên: “Một sự nhịn, chín sự lành”, “chồng giận thì vợ bớt lời”, “cơm sôi nhỏ lửa”, “chớ có đổ thêm dầu vào lửa”... Người phụ nữ nào cũng thuộc, nhưng không phải ai cũng áp dụng được trong mọi tình huống khi chồng nổi “cơn”.
Sau những lần thiệt hại về vật chất và tình cảm do cãi lại chồng khi anh nóng tính, chị Kim (Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, TP.HCM) rút ra một kinh nghiệm: “Im lặng cho xong chuyện”. Nhưng có lẽ do nhịn nhiều lần quá nên chị trở nên nhu nhược. Sống cứ phải theo ý chồng, cái gì cũng phải nghe chồng để tránh cãi vã hoặc tránh những cơn “lửa” của chồng.
Tuy nhiên, chị Hạnh (Cộng Hoà, Tân Bình, TP.HCM) cũng có anh chồng tính nóng như hổ phun lửa. Ban đầu chị có sợ, nhưng sau đó, chị chấp nhận “sống chung với lũ” và dần dần cải tạo chồng thành “cơn lũ dịu dàng”.
Chị chia sẻ bí quyết, khi chồng nóng tính, mình không nên nói gì cả mà chỉ nghe, phải bình tĩnh và tự kiềm chế. Nếu mình nói lại, chồng bỏ đi, rồi chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh xảy ra thì sau khắc phục rất khó. Sau đó, đợi cho chồng hạ hoả, lúc vợ chồng vui vẻ, chị nhẹ nhàng phân tích đúng sai. Đừng chỉ biết nhịn sẽ trở thành nhu nhược. Cũng cần lưu ý, trong lúc phân tích đúng sai, cần khéo léo đừng đổ cái sai hết cho chồng vì sẽ dễ dẫn đến tự ái. Chẳng hạn, trường hợp con không nghe lời, người vợ cần nói với chồng rằng “Anh dạy con phải biết vâng lời như thế là đúng, em ủng hộ anh, nhưng nếu là em, em sẽ làm như thế này….”. "Thiên chức" bảo bọc gia đình trong bản năng của người đàn ông rất lớn nên sự thừa nhận của vợ con là dòng nước mát hơn tất cả mọi phương thuốc hạ nhiệt.
Tuy nhiên, việc giữ bình tĩnh, nhất là trong cơn nóng, chồng có thể xúc phạm đến vợ, đến gia đình vợ, là điều nói thì dễ nhưng làm rất khó.
Chuyên gia tâm lý của tổng đài 1080 “bật mí” bí quyết: “Để có thể chế ngự được tính nóng của chồng, người vợ bất cứ giá nào cũng phải giữ bình tĩnh và làm chủ tình hình, đừng để “đối phương” lôi vào cuộc. Hãy cố gắng đừng chú ý quá vào những lời chồng thốt ra trong lúc “mất khôn” này, thay vào đó, hãy nghĩ đến những thiệt hại có thể xảy ra nếu mình “bật” lại chồng. Hãy hít một hơi thật sâu và thở ra khi cảm thấy khó giữ bình tĩnh.
Thêm nữa, lợi dụng khi vợ chồng, con cái vui vẻ để “nhắc” khéo chồng bằng niềm hạnh phúc thể hiện trên gương mặt vợ và con cái. Ví dụ, sau một “cơn tam bành” nào đó của chồng, nhân một ngày nào đó cả nhà vui vẻ, người vợ nói: “Nói thật, mỗi khi thấy anh nóng tính, hai mẹ con em rất sợ và em cũng thấy bớt yêu anh đi. Phải chi cuộc sống cứ vui vẻ, hạnh phúc như thế này mãi nhỉ”. Chắc chắn, chồng bạn sẽ chạnh lòng và cảm thấy có lỗi mặc dù không thốt thành lời.
Cẩm Giang