Có nhiều loại cảm xúc nhưng chung quy có thể chia thành hai loại: tích cực và tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực được tạo ra từ mùi “hôi”, còn cảm xúc tích cực thì được tạo ra từ mùi “thơm”. Tuy nhiên, cũng tùy vào từng đối tượng mà mùi “hôi” hay “thơm” được cảm nhận khác nhau. Chẳng hạn với người này thì mùi sầu riêng là thơm, nhưng với người khác thì không thể chịu nổi...
Đối với vấn đề “mùi hương” trong quan hệ tình dục, chẳng phải vô cớ mà người xưa đúc kết: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Câu ca dao này đã diễn tả sự hấp dẫn của cái... “hơi hám” của con người trong chuyện gối chăn.
Trên cơ thể con người có những vùng đặc biệt “tỏa hương” như nách, bẹn, gáy và nhiều nơi khác… Đáng nói là mùi hương cũng giống như giọng nói của con người, tức là không ai giống ai. Có người thân thể luôn thơm ngát, ngọt ngào; cũng có người cơ thể có mùi khó chịu. Cái “hơi hám” ấy như thế nào, tạo cảm giác ra sao thì những người trong cuộc mới cảm nhận được.
Trong chuyện ái ân, sự yêu thích hơi hám của nhau là biểu hiện của tình yêu, của sự hòa hợp. Thậm chí, nhiều người còn cho biết, khi đã quen cái “hơi hám” đặc trưng của ai đó thì nó sẽ hình thành một tâm lý “nghiện” như nghiện thuốc lá hay nghiện rượu!
Từ thuở sơ khai đến nay, con người đã biết nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại mùi hương khác nhau, có thể từ hoa cỏ thiên nhiên hoặc có thể tổng hợp từ hóa chất. Trên thị trường hiện có hàng ngàn loại nước hoa với đủ thứ mùi hương. Thế nhưng, dường như con người ta vẫn có xu hướng ưa chuộng mùi hương được tổng hợp từ dây chuyền sản xuất tinh vi nhất là... cơ thể người.
Đặc biệt, trong quan hệ tình ái thì mùi tự nhiên của thân thể vẫn luôn có sức cuốn hút lạ thường. Chưa kể, đối với giống cái nói chung thì vào những thời gian nhất định, cơ thể lại tỏa ra một thứ mùi hương đặc biệt để quyến rũ bạn tình.
Theo Người lao động