Mùa hè, thời tiết oi bức ảnh hưởng đến sức khỏe của bé: mồ hôi đổ nhiều làm mất nhiều nước, muối khoáng và sinh tố gây trở ngại cho nhiều hoạt động của tim mạch, thận, phổi; hoạt động tiêu hóa cũng giảm sút và rối loạn như biếng ăn, ăn không tiêu, tiêu chảy… Môi trường nóng ẩm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh phát sinh như mụn nhọt, viêm lở, kiết lỵ, thương hàn, ngộ độc thức ăn, viêm não, say nắng, nhiễm độc thần kinh…
Chúng tôi xin giới thiệu 3 món canh có thể giúp bé phòng chống được các tác hại do nắng nóng của mùa hè gây ra.
Canh tần ô thịt heo
Nguyên liệu:
- Rau tần ô (cải cúc) 500g.
- Thịt nạc dăm 200g.
- Hành tím băm nhỏ 2 củ.
- Nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu.
Cách làm:
- Rau tần ô nhặt kỹ, rửa sạch, để ráo, cắt khúc ngắn.
- Thịt nạc dăm rửa sạch, băm nhuyễn, ướp với dầu ăn, hành, nước mắm, muối, tiêu, bột ngọt, viên thành từng viên nhỏ.
- Đun sôi nước, cho thịt viên vào nấu chín, nêm vừa ăn, cho tần ô vào khuấy nhẹ, chờ nước sôi lại rồi bắc xuống ngay. Ăn nóng. Có thể rắc lên trên ít hạt tiêu.
Công dụng:
- Rau tần ô có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, kích thích tiêu hóa, trừ đờm nhiệt, chữa ho lâu ngày, viêm họng do nhiệt, rất thích hợp cho bé bị ho do phong nhiệt, ho lâu ngày, ăn uống không tiêu, đau mắt đỏ, kiết lỵ.
- Thịt nạc heo có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ huyết, nhuận tràng.
- Món canh này ăn trong bữa cơm giúp bé ngon miệng, dễ tiêu hóa, giải nhiệt.
Canh hến nấu rau ngót
Nguyên liệu:
- Hến 1 kg.
- Rau ngót 200g.
- Nước mắm, muối, bột ngọt.
Cách làm:
- Ngâm hến, rửa sạch, cho vào nước ngập 2/3, thêm ít muối, luộc chín, đãi lấy thịt.
- Nước luộc hến lọc lấy nước trong.
- Rau ngót tuốt lấy lá, rửa sạch, vò sơ cho mềm.
- Đun sôi nước luộc hến, cho thịt hến vào, nêm mắm muối vừa ăn, cho rau ngót vào, đun sôi. Rau chín thì nêm ít bột ngọt. Cho ra tô, ăn nguội.
Công dụng:
- Thịt hến có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc, nhuận tràng, mát gan, thông tiểu, rất tốt cho người bị nhiệt độc thường sinh mụn nhọt, người táo bón, tiểu tiện khó, viêm gan, vàng mắt, tiểu đường.
- Rau ngót vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ huyết, giải nhiệt, giải độc, nhuận tràng, thông tiểu, thường dùng chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, bí tiểu tiện, táo bón, suy nhược cơ thể.
- Món canh hến nấu với rau ngót kết hợp tác dụng của hai loại thực phẩm này nên rất tốt cho bé trong mùa nắng nóng (tác dụng giải nhiệt), hoặc bé suy yếu, hay bị mụn nhọt (tác dụng bổ dưỡng, giải độc), bé bị nhiệt gây táo bón, khó tiểu.
- Ngoài ra, món canh này còn cung cấp cho bé một lượng canxi đáng kể, giúp hệ xương tốt hơn.
Canh bầu nấu tôm
Nguyên liệu:
- Bầu non 1 trái 500g.
- Tôm bạc 200g.
- Muối, tiêu, đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn.
- Hành lá, rau ngò (mùi), tỏi.
Cách làm:
- Bầu gọt vỏ, rửa sạch, cắt khoanh rồi sắt sợi có bản 5mm.
- Tôm rửa sạch, lột vỏ, bỏ gân đen, băm nhỏ, ướp với ít muối, tiêu, 1 muỗng cà phê đường (hoặc bột ngọt) và phần củ trắng của hành băm nhỏ.
- Hành lá, rau ngò rửa sạch, cắt nhỏ.
- Đun nóng dầu ăn, cho tỏi vào phi thơm, cho tôm vào xào đều.
- Đổ khoảng 1/2 lít nước vào, đun sôi, cho bầu vào. Bầu vừa chín tới, nêm thêm 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường cho vừa ăn. Bỏ hành lá và rau ngò vào, tắt bếp.
- Múc canh ra tô, rắc ít tiêu và rau ngò lên trên, ăn nóng.
Công dụng:
- Bầu có vị ngọt, tính hàn, tác dụng giải nhiệt, trừ độc, tiêu viêm, trị viêm nhiệt, tiểu rắt, tiểu khó, phù thũng, mụn nhọt vào mùa nắng nóng, người khô khát.
- Tôm bạc có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ thận, tráng dương, thông sữa, giải độc, thường dùng trong trường hợp dương khí suy yếu, sản phụ không thông sữa, bé bị mụn nhọt, lở loét.
- Bầu nấu tôm kết hợp tác dụng của bầu và tôm, lấy tính ấm của tôm để giảm bớt tính lạnh của bầu, điều hòa được tính chất hàn nhiệt của món ăn. Món canh này rất tốt cho bé trong mùa nắng nóng, vừa giải nhiệt độc, tăng cường khí lực, phòng ngừa được các chứng mụn nhọt, viêm nhiễm ngoài da.
- Các bé bị lạnh bụng, đầy hơi, đi tiêu lỏng thì không nên ăn bầu.
Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM