Ở lĩnh vực dinh dưỡng, các nhà khoa học đã xác định được một số “dưỡng chất vàng cho trí não”, chỉ cần mẹ cung cấp đúng và đủ các dưỡng chất này thông qua thực phẩm hằng ngày là đã tác động đáng kể vào quá trình phát triển trí thông minh của bé.
Dưỡng chất vàng cho não
Chất béo: Bộ não được cấu thành bởi hơn 50% là chất béo, vì vậy, nói tới các dưỡng chất giúp phát triển trí não cho bé, chúng ta không thể bỏ qua chất béo. Bé càng nhỏ, nhu cầu chất béo càng cao. Bé 3-6 tuổi, nhu cầu chất béo là khoảng 6-8 muỗng cà phê mỗi ngày.
Tuy nhiên, mẹ cần phải hiểu chất béo không chỉ là mỡ động vật. Chất béo gồm nhiều loại khác nhau, có trong các loại thức ăn, trong da động vật, trong các loại dầu thực vật (dừa, ô liu…), trong sữa, bơ, ca cao, đậu phộng, đậu nành, vừng (mè)…
Mẹ nên cho bé ăn đa dạng thực phẩm và mạnh dạn cung cấp đủ chất béo cho nhu cầu từng độ tuổi. Bé không phải là “người lớn thu nhỏ” nên chúng ta không lo bé bị mỡ máu. Hãy tính đủ 30 – 40 ml chất béo mỗi ngày cho bé 3-6 tuổi.
Chất bột đường: Là nhiên liệu để bộ não hoạt động. Bộ não sử dụng khoảng 20% lượng đường chúng ta cung cấp vào cơ thể. Các thực phẩm chứa bột đường gồm cơm, cháo, bún, phở, mì, nui, xôi, bánh mì, khoai lang, bắp, trái cây ít ngọt... Mẹ nhớ rằng bé cần ăn từ 2 đến 2,5 bát cơm mỗi ngày nhé!
DHA: là nguyên liệu để sản xuất ra myelin, một chất giúp bảo vệ và truyền tải tín hiệu giữa các tế bào não. Hệ thống truyền tải này càng nhạy, càng tốt thì bé càng tiến bộ trong nhận thức, học tập, vận động và phối hợp các hoạt động của cơ thể.
Trong các loại thực phẩm thì cá là thực phẩm giàu DHA nhất. Mẹ nên cho bé ăn ít nhất 2 bữa cá mỗi tuần và thay đổi nhiều loại cá khác nhau như cá basa, cá tra, cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu... Ngoài ra, DHA cũng có nhiều trong sữa, gan bò, gan gà, cua, tôm…
Choline có vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào não mới và các kết nối thần kinh, rất cần thiết cho não bộ và trí nhớ. Choline có nhiều trong thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại đậu, các loại rau xanh đậm như súp lơ xanh, rau cải…
Sắt cần thiết cho sự hình thành và hoạt động của hồng cầu - vốn có chức năng chuyển ôxy đến não và thúc đẩy não tăng trưởng. Sắt có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng, rau xanh…
Iốt là chất não cần có liên tục và đầy đủ. Thiếu hụt iốt, bé có thể chậm phát triển trí tuệ, học kém. Iốt có nhiều trong cá biển, rong biển, rau cải xoong, rau dền, bầu dục, nước mắm làm từ cá… Cách dễ nhất để bổ sung iốt là dùng muối, bột canh, bột nêm chứa iốt để nấu ăn.
Nếu mẹ thường xuyên thay đổi thực đơn cho bé với các loại thịt, cá, trứng, sữa, gan, đậu, rau xanh và bé ăn đủ 120 – 150g thịt cá, 300 – 400g rau quả, uống 500 – 600 ml sữa mỗi ngày, mẹ không lo bé bị thiếu choline, DHA, sắt, iốt và các chất khác.
Mẹ chú ý:
- Chất béo khi bị đun ở nhiệt độ cao và lâu sẽ bị ôxy hóa, sinh ra nhiều chất độc. Do vậy, mẹ không nên tái sử dụng các loại dầu, mỡ đã chiên, rán để nấu ăn cho bé. Mẹ cũng tránh cho bé ăn các món bánh rán, bột chiên, mì xào… ngoài đường phố nếu chúng được chiên trong chảo dầu đục hoặc đen, vì dầu mỡ lúc này đã bị ôxy hóa nặng, rất độc hại cho cơ thể.
- Chất bột đường (glucid) được chia làm 2 nhóm gồm tinh bột và chất ngọt. Tinh bột gồm cơm, cháo, bún, phở, mì, nui, xôi, khoai, ngô (bắp)… là loại đường tiêu hóa chậm, cần một thời gian sau khi ăn để cơ thể chuyển hóa chúng dần dần thành glucose - là năng lượng để tế bào sử dụng. Chất ngọt có trong bánh, mứt, kẹo, trái cây ngọt… là loại đường hấp thu nhanh, chỉ cần 20 - 30 phút sau khi ăn là tất cả được hấp thu vào máu. Do đó, mẹ không nên cho bé ăn đồ ngọt ngay trước bữa chính vì nồng độ đường trong máu lên cao trước bữa ăn dễ làm cho bé bỏ bữa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm
Phó Viện trưởng, Viện Dinh dưỡng quốc gia