Trước tiên là hàm lượng đường trong nước ngọt. Với nồng độ đường từ khoảng 10-14%, nếu uống 1 lon nước ngọt khoảng 300 ml, bé đã nạp vào cơ thể 30-42g đường (6-8 muỗng đường). Nếu nghĩ đến việc ăn 8 muỗng đường hay uống 1 ly nước đường với 8 muỗng đường cát, chắc không ai dám uống. Nhưng với 1 lon nước ngọt, bé có thể uống dễ dàng mà không hề biết mình đã nạp vào cơ thể 1 loại đường pha loãng. Đường chỉ cung cấp năng lượng “rỗng”, có nghĩa là chỉ có năng lượng mà không hề chứa 1 chất dinh dưỡng gì cần thiết cho cơ thể. Với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt sẽ làm cho bé ngang dạ, giảm đi lượng sữa cần thiết và các loại nước trái cây tươi. Vì vậy, bé dễ thiếu vitamin, khoáng chất và các chất xơ.
Nước ngọt còn là một trong những nguyên nhân gây sâu răng thầm lặng mà mẹ ít để ý. Nó là một loại “kẹo lỏng”, được vi khuẩn trong miệng chuyển hóa thành axit làm thủng men răng. Ngoài ra, hàm lượng cao axit citric, axit phosphoric trong nước ngọt cũng gây hại đối với men răng. Để hạn chế điều này, mẹ nên cho bé uống nước ngọt bằng ống hút, uống một hơi hơn là nhâm nhi từng hớp, và sau đó, bé cần đánh răng.
Bên cạnh đó, nước ngọt còn chứa lượng caffein nhất định có thể làm cho bé mất ngủ nếu uống quá nhiều.
Khi đi thăm hỏi bạn bè, họ hàng, mẹ cần tránh cho bé uống nước ngọt quá thoải mái. Đối với những bé biếng ăn, việc ăn nhiều kẹo mứt, uống quá nhiều nước ngọt sẽ làm bé không ăn được bữa chính, khiến bé bị thiếu dinh dưỡng. Ngược lại, đối với bé béo phì, ăn uống thức ăn ngọt nhiều dễ làm bé tăng cân nhiều hơn sau Tết.
Trong những ngày Tết, khi cho bé đi chơi xa, tốt nhất, mẹ vẫn nên đem theo chai nước đun sôi để nguội, không nên mua những loại nước bên ngoài vì vệ sinh không được đảm bảo. Nước rửa ly không sạch, nguồn nước làm đá không bảo đảm dễ làm bé đau bụng, tiêu chảy - nhất là trong những ngày Tết.
BS.CK1 Trần Mỹ Loan
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM