Để tăng cường khả năng chịu lạnh, cơ thể sẽ phải sử dụng carbonhydrate (nhóm bột đường) và lipid (nhóm chất béo). Chất bột đường hấp thu nhanh hơn sẽ cung cấp năng lượng nhanh chóng nhưng cũng giảm đi nhanh, còn chất béo thì cung cấp năng lượng chậm nhưng kéo dài trong khoảng thời gian dài tiếp theo. Điều này giải thích vì sao các bé bụ bẫm thì khả năng chịu lạnh tốt hơn các bé gầy (ốm) và khi trời trở lạnh hoặc vào mùa đông, các bé thích ăn những món ăn có nhiều dầu mỡ hơn.
Các vitamin và khoáng chất cũng có vai trò giúp cơ thể tăng cường khả năng chống lại thời tiết lạnh, đặc biệt là vitamin C và canxi (vì khi thời tiết trở lạnh, hoóc-môn tuyến thượng thận tiết ra nhiều hơn làm giảm lượng canxi huyết và tăng thải canxi niệu). Nếu bình thường, nhu cầu vitamin Ccủa bé khoảng 30-50mg/ngày thì trong những ngày trời lạnh, nó sẽ tăng gấp đôi. Nhu cầu về các vitamin A, B1, B2, B6, PP, B9… cũng đều tăng lên.
Tóm lại, trong những ngày thời tiết lạnh, chúng ta cần chú ý tăng thêm năng lượng cho bé từ chất béo và tinh bột, phải cho bé uống sữa, ăn đủ rau xanh để cung cấp thêm canxi, kali, vitamin C, vitamin A và các vitamin nhóm B… để bé có khả năng thích ứng với thời tiết. Ngoài ra, những ngày này thường ít có ánh nắng mặt trời nên bé sẽ không tổng hợp được vitamin D – là thành phần cần thiết trong việc hấp thu canxi. Vì vậy, chúng ta phải tăng cung cấp vitamin D từ thức ăn.
Những thức ăn nên sử dụng cho bé lúc này là những món như thịt kho tàu, trứng chiên, gan heo và các loại cá biển như cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi…
Điểm lưu ý cuối cùng là khi trời lạnh, nên cho bé ăn thức ăn ấm, nóng để quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn thuận lợi hơn. Thức ăn nguội cũng làm cơ thể bé mất thêm nhiệt lượng cho quá trình tiêu hóa thức ăn.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM