Nhu cầu nước của bé
Nước chiếm tới 74% trọng lượng cơ thể của bé, là một trong những thành phần thiết yếu và vô cùng quan trọng đối với các chức năng sống trong cơ thể. Nước điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách toát mồ hôi, thải các chất độc qua đường tiểu, vận chuyển các chất dinh dưỡng và nhiều thành phần khác đi khắp cơ thể. Các bé trong tuổi tập đi thường hiếu động nên nhu cầu uống nước rất cao nhằm bù đắp lại lượng chất lỏng vừa mất, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức.
Theo khuyến cáo của Hội Nhi khoa Việt Nam và Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu nước của bé được tính như sau:
Tính theo tuổi và cân nặng:
- <1 tuổi: 150ml/kg/ngày.
- 1- 5tuổi: 100ml/kg/ngày.
- 6-10 tuổi: 70ml/kg/ngày.
- 11-18 tuổi: 40- 50ml/kg/ngày.
Tính theo cân nặng:
- <10kg: 100ml/kg.
- 11- 20 kg: 1000ml + 50 x (số cân - 10).
- > 20kg: 1500ml + 20 x (số cân - 20).
Cho bé uống nước như thế nào?
Nhiều bà mẹ cho rằng chỉ khi nào bé khát mới cho uống, hoặc cho bé uống nước sau mỗi bữa ăn, bữa bú. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bé dưới 6 tháng tuổi, nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn thì không cần phải cho bé uống thêm nước vì trong sữa mẹ đã có đủ lượng nước theo nhu cầu của bé. Việc cho bé uống nước sẽ làm loãng dịch vị, ảnh hưởng đến tiêu hoá của bé, đồng thời là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn tiêu hoá do cốc, thìa không đảm bảo vệ sinh. Sau 6 tháng tuổi, khi bé đã ăn dặm thì cần phải bổ sung nước. Ngoài các bữa ăn và bú, nên cho bé uống vài lần trong ngày. Nước có thể vào cơ thể thông qua các loại thực phẩm giàu nước như sữa, sữa chua, nước quả, cháo, súp,… Tuy nhiên, cho bé uống nước đun sôi để nguội là tốt nhất vì bé có thể hấp thụ nước nhiều nhất mà cơ thể lại không bị thừa năng lượng; không nên cho bé uống sữa hay nước ngọt, nước hoa quả thay nước. Nếu uống đủ nước, bé sẽ đi tiểu nhiều, nước tiểu có màu sáng, không nặng mùi.
Sốt và các loại bệnh khác cũng làm tăng nhu cầu nước của bé. Khi thân nhiệt tăng trên 370C, nhu cầu nước tăng thêm khoảng 10%. Trong những ngày thời tiết nóng nực, bé chạy nhảy, vận động nhiều, ra nhiều mồ hôi, cha mẹ cần chú ý cho bé uống nước thường xuyên hơn.
Được cung cấp đủ nước, bé sẽ duy trì được cân nặng, tăng sự tập trung và giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh như táo bón hay nhiễm trùng đường tiểu. Đối với những bé nhỏ hơn, không thể biết lúc nào khát thì việc cho bé uống nhiều thìa nước mỗi giờ là cần thiết. Ban đêm cũng cần cho bé uống nước nếu bé thức giấc lúc nửa đêm.
TS.BS Cao Thị Hậu
Nguyên GĐ Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng
Viện Dinh dưỡng quốc gia