Những vấn đề sức khỏe liên quan tới cholesterol cao thường không biểu hiện trong vài năm. Do đó, khó biết được mối liên quan giữa cholesterol và sức khỏe của bé. Tuy vậy, cha mẹ cần biết mức cholesterol của bé, đặc biệt là với các trường hợp béo phì và tiền sử gia đình có cholesterol cao hoặc bệnh tim.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất béo được tạo ra bởi gan để tham gia vào việc hình thành màng tế bào. Do đó, cholesterol cũng rất cần thiết đối với cơ thể. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp ăn uống quá thiếu thốn và cơ thể bị suy dinh dưỡng, đối với người bình thường, khi chế độ ăn không có cholesterol thì cơ thể vẫn tạo đủ cholesterol cho các hoạt động chức năng.
Cholesterol có nhiều trong mỡ, da và lòng heo, bò, gia cầm, (thịt nạc cũng có cholesterol nhưng ít hơn), lòng đỏ trứng, hải sản (đặc biệt là đầu tôm, đầu mực), chất béo từ sữa và sản phẩm từ sữa như phô mai, kem.
Cholesterol tốt và xấu
Cholesterol không tự di chuyển khắp cơ thể mà thường kết hợp với protein, gọi là lipoprotein để đi đến nơi cần thiết. Có hai loại cholesterol mà mọi người thường nghe nhắc đến, đó là cholesterol – tỉ trọng thấp (LDL) và tỉ trọng cao (HDL).
LDL cholesterol được mệnh danh là “cholesterol xấu”. Nếu có quá nhiều LDL trong máu, nó có thể bám vào thành mạch máu. Lâu dần, mảng bám dày lên và cứng dần làm mạch máu trở nên xơ cứng, hẹp, hoặc tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là xơ cứng động mạch. Nếu cục máu đông hình thành trong lòng mạch và làm tắc nghẽn một động mạch nhỏ như mạch máu nuôi tim, não thì hậu quả có thể sẽ là ngưng tim hoặc đột quị. Mảng xơ vữa động mạch cũng có thể đi theo dòng máu đến các cơ quan quan trọng khác như ruột hoặc thận.
HDL cholesterol thì lại được xem là “cholesterol tốt” do mang cholesterol khỏi mạch máu và trở về gan, nơi cholesterol sẽ được “xử lý” và “tống” ra khỏi cơ thể. HDL-C cũng có thể giúp làm tan mảng cholesterol xơ vữa bám trên thành mạch.
Mức LDL cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quị. Nhưng HDL cao lại có thể giúp bảo vệ hệ tuần hoàn.
Có 3 yếu tố chính hình thành mức cholesterol cao:
- Chế độ ăn
- Di truyền
- Béo phì
Những bé năng động, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, không có tiền sử gia đình cholesterol máu cao, và không bị thừa cân - béo phì sẽ không có nguy cơ bị cholesterol cao.
Giữ cholesterol trong máu ở mức tốt cho sức khỏe bằng cách:
- Cha mẹ nên biết mức cholesterol của bản thân mình, nếu ở mức cao thì có thể phải kiểm tra cholesterol cho bé, nhất là khi bé có béo phì (nên hỏi ý kiến bác sĩ).
- Cho bé ăn nhiều rau và trái cây; nên chọn thịt nạc, cá, các loại rau đậu, đậu hũ.
- Đọc nhãn các thực phẩm công nghiệp để hạn chế cholesterol.
- Chọn sữa hoặc sản phẩm từ sữa không có chất béo hoặc ít béo.
- Hạn chế thịt mỡ, da, lòng, óc, tim cật từ heo, bò, gia cầm…
- Hạn chế các thức ăn, thức uống nhiều đường.
- Thường xuyên vận động để giúp tăng mức HDL cholesterol, là cholesterol tốt cho sức khỏe.
- Bé từ 2 tuổi trở lên nên vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày.
TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng - TT Dinh dưỡng (TP.HCM)