Theo ước tính của tổ chức tư vấn quốc tế về kẽm (IZiNCG) 2004: khoảng 27% dân số Việt Nam bị thiếu kẽm và các bé dưới 1 tuổi ở nhiều vùng nông thôn tỷ lệ thiếu kẽm vào khoảng 40%. Nguyên nhân lớn của tình trạng này là do khẩu phần ăn nghèo chất kẽm.
Nhu cầu kẽm của bé
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhu cầu kẽm trong một ngày cho bé như sau:
Nhóm tuổi | Nhu cầu kẽm (mg/ngày) |
< 6 tháng | 2.8 |
7-11 tháng | 4.1 |
1-3 tuổi | 4.1 |
4-6 tuổi | 5.1 |
7-9 tuổi | 5.6 |
Các thực phẩm chứa kẽm có hai nguồn:
- Nguồn thực phẩm gốc động vật: trong thịt, cá, sò… kẽm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu.
- Nguồn thực phẩm gốc thực vật: kẽm trong ngũ cốc, các loại đậu… có giá trị sinh học thấp hơn vì có chứa nhiều chất ức chế hấp thu kẽm.
Để bé không bị thiếu kẽm
Kẽm không phải là chất dinh dưỡng “độc quyền” của bất kỳ thực phẩm nào, và các bé cũng không thể mỗi ngày chỉ ăn một loại thực phẩm giàu kẽm nhất để đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm trong thực phẩm phụ thuộc vào nguồn kẽm trong chất dinh dưỡng nuôi cây trồng và vật nuôi (nước, đất, phân bón, thức ăn…). Do đó, nếu đất bị sói mòn (mưa to, bão lụt…) thì lượng kẽm thấp và thực phẩm ít kẽm dẫn tới con người thiếu kẽm. Vậy, để phòng ngừa thiếu kẽm, cha mẹ cần lưu ý:
- Cho bé bú sữa mẹ, vì tuy hàm lượng bằng nhau nhưng kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.
- Bữa ăn của bé luôn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm bột đường, đạm, béo và rau của quả).
- Cho bé ăn cả xác thực phẩm ngay khi bé bắt đầu tập ăn dặm.
- Chế độ ăn phù hợp với từng lứa tuổi, thức ăn đa dạng và phong phú.
- Kẽm có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật và dễ tiêu hóa, hấp thu. Vì vậy, đừng quên thịt, cá, trứng… trong khầu phần ăn của bé.
- Khi bị tiêu chảy, cơ thể bé sẽ bị mất nhiều kẽm, cha mẹ nên bổ sung kẽm trong và sau khi bị bệnh 2 tuần.
- Chỉ cho bé uống bổ sung kẽm khi có chỉ định của bác sĩ.
Lượng kẽm có trong 100g của một số thực phẩm:
Thực phẩm nguồn gốc thực vật | Thực phẩm nguồn gốc động vật | ||
Tên thực phẩm | Kẽm (mg)/100g | Tên thực phẩm | Kẽm (mg)/100g |
Đậu nành | 3.8 | Sò | 13.4 |
Bột mì | 2.5 | Lòng đỏ trứng gà | 3.7 |
Nếp | 2.2 | Thịt heo | 2.5 |
Gạo | 1.5 | Thịt bò | 2.2 |
Đậu xanh | 1.1 | Thịt gà | 1.5 |
Mồng tơi | 0.5 | Cá | 1.5 |
Nấm rơm | 0.3 | Sữa mẹ, sữa bò tươi | 0.4 |
Tuy nhu cầu kẽm không cao, nhưng nếu thiếu, hậu quả lại không nhỏ. Bé chậm lớn, biếng ăn là điều mà chẳng có cha mẹ nào mong muốn. Hãy dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc để bé phát triển toàn diện nhé!
BSCK2. Nguyễn Thị Hoa
Trưởng khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi đồng 1