Hai xu hướng trái ngược
Có một số bé ngay từ khi một tuổi lười ăn cháo, nhưng thấy người lớn ăn gì cũng nhìn và khi cho ăn cơm, mì… thì rất thích. Hoặc nhiều cha mẹ cho rằng “phải ăn cơm mới cứng” nên tập cho bé ăn từ 1 tuổi. Những bé này sẽ biết ăn cơm và thức ăn cứng rất sớm, phát triển vận động, tâm lý tốt nhưng thường không bụ bẫm, thậm chí có bé còn suy dinh dưỡng.
Một số bé hay nhợn ói khi ăn bất cứ thứ gì dù hơi lợn cợn, từ 6 - 7 tháng ăn bột, 8 - 9 tháng chuyển qua cháo, bố mẹ vẫn xay nhuyễn thức ăn. Khi tập ăn cháo hạt là ói liền, bố mẹ sốt ruột… nên xay cháo tiếp. Vì vậy, các bé có khuynh hướng “nuốt chửng” mọi thứ hoặc ngược lại thì ăn ngậm, phải làm đủ trò mới nuốt, không chịu nhai. Cũng có khi chỉ nhai những thứ mình thích, còn cơm cháo vẫn phải xay… dù đã 2 – 3 tuổi. Những bé này một số sẽ thiếu dinh dưỡng do biếng ăn, ăn ngậm, còn số cứ đút là chịu nuốt thì có khuynh hướng thừa cân, béo phì do ăn cháo xay kéo dài.
Ăn cháo cả năm trời nên bé chán cháo lắm rồi, mà cơm thì chưa ăn được. (Ảnh minh họa)
Sự phát triển răng của bé
Để biết cần cho bé ăn thế nào là đúng, cha mẹ cần nắm được lịch phát triển răng của bé.
Thông thường, răng sữa của bé bắt đầu mọc khi bé 6 – 7 tháng tuổi, tới 1 tuổi bé có 8 răng cửa trước, sau đó bé bỏ qua răng nanh để mọc răng tiền hàm (răng cối nhỏ) trước, tới 18 tháng bé thường có thêm 4 răng tiền hàm, và trong 6 tháng tiếp sẽ có thêm 4 răng nanh được mọc. Như vậy, tròn 2 tuổi, thường bé có 16 răng sữa và đến 2 tuổi rưỡi có thêm 4 răng hàm lớn là đủ 20 răng sữa.
Quả thực, khi bé 18 tháng, đã có giai đoạn ăn cháo cả năm trời nên có lẽ chán cháo lắm rồi, mà cơm thì chưa ăn được, nên rất nhiều cha mẹ lúng túng trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé. Vì vậy, để có bước chuyển tiếp nhịp nhàng, cha mẹ phải kiên trì cho bé ăn đúng theo từng độ tuổi.
Khi bé 9 tháng, chuyển từ bột sang cháo, cha mẹ không nên xay cháo mà tập cho bé ăn cháo tán nấu với thức ăn băm nhuyễn. Khi bé 1 tuổi, mọc răng hàm nhỏ, bé ngứa nướu nên dễ để tập cho bé ăn cháo hạt to hơn. Khi bé đủ 16 răng, tức là khoảng 18 tháng tuổi, nên tập cho bé ăn cơm nát, tất nhiên lúc này, sức nhai của bé còn yếu nên ăn cơm không thể đủ dinh dưỡng, nên có tình trạng thấy bé ăn được nhưng không lớn. Tuổi này, mỗi bữa tập cho bé ăn cơm ít, sau đó cho bé ăn thêm cháo, mì, nui, bánh quy với phomai, bánh flan, sữa chua… để đủ khối lượng khoảng 200 ml - 250 ml/bữa. Khi bé đủ 20 răng, đã nhai quen thì có thể cho bé ăn nguyên bữa cơm như người lớn.
Với những bé hay nhợn ói khi ăn lợn cợn, nếu cha mẹ vì sợ bé ói mà cứ xay cháo thì bé sẽ không có cơ hội tập nhai và không có phản xạ nhai. Bé nào biếng ăn sẽ càng biếng ăn hơn. Phải chấp nhận những ngày đầu tập bé sẽ dễ ói, nhưng thường sau 1 - 2 tuần, bé sẽ quen ngay, còn nếu cứ xay thì khi bé càng lớn càng khó tập, thời gian bé ói sẽ kéo dài hơn. Tác hại nữa là do không nhai nên xương hàm của bé sẽ kém phát triển, mà răng vĩnh viễn thường có kích thước to hơn răng sữa, khi thay răng sẽ không đủ chỗ nên dẫn đến mọc nghiêng, xiên, lệch… và khi lớn, bé có thể sẽ phải nhổ bớt răng để chỉnh lại khớp cắn.
BS.CK1 Phan Thị Hiền Thu
Trung tâm Dinh dưỡng, TP.HCM